Sẽ điều chỉnh để Thông tư 06 phù hợp với thực tế
Sẽ điều chỉnh để Thông tư 06 phù hợp với thực tế
Như Báo Văn Hóa điện tử đã đưa tin, khi thời gian chuyển đổi điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế theo các quy định trong Luật Du lịch 2017 sắp hết, việc thực hiện Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL, liên quan đến quy định về trình độ nghiệp vụ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành được rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch quan tâm, đồng thời phát sinh một số vấn đề cần sửa đổi cho phù hợp với thực tế.
Sẽ áp dụng linh hoạt…
Những năm gần đây nhưng nguồn nhân lực ngành Du lịch chủ yếu được đào tạo chuyên môn từ các ngành khác như: sư phạm, ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, ngoại thương, thương mại, kinh tế, ngoại giao… Do đó, phần lớn người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành của Việt Nam không được đào tạo bài bản nên chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh còn hạn chế, trong khi nhóm lao động này là lao động đặc thù, liên quan trực tiếp đến chất lượng dịch vụ, thậm chí liên quan đến tính mạng con người. Chỉ có một số ít người điều hành kinh doanh lữ hành thành công từ kinh nghiệm thực tiễn hoặc được đào tạo đúng chuyên ngành.
Thực tế có rất nhiều sinh viên đã tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, có đào tạo về chuyên ngành du lịch, lữ hành nhưng tên ngành ghi trên văn bằng có sai lệch so với Thông tư 06.
TCDL đã áp dụng linh hoạt đối với một số trường hợp có sự sai lệch ít về tên ngành đào tạo và vẫn cấp đăng ký kinh doanh bình thường. Đồng thời dự kiến trình lãnh đạo Bộ VHTTDL rà soát các ngành hiện có (7 ngành) quy định tại Thông tư 06, cụ thể hóa và bổ sung một số nội dung liên quan đến các chuyên ngành được công nhận tại Thông tư 06 sau khi sơ kết một năm thực hiện, có xem xét đến một số chuyên ngành đào tạo đã được công nhận trước đây liên quan trực tiếp đến quản trị kinh doanh lữ hành, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ GDĐT và Bộ LĐTBXH.
Sau khi TCDL báo cáo về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã yêu cầu: “TCDL khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 06/2017/BVHTTDL cho phù hợp với thực tế, không cứng nhắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành hoạt động, trên tinh thần đảm bảo các trường hợp đã tốt nghiệp tại các trường, khoa du lịch trước Quyết định số 38/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9.3.2009 và các văn bản hướng dẫn, có học các chuyên ngành du lịch, lữ hành (theo quy định của Luật Du lịch) sẽ được công nhận đủ điều kiện là người phụ trách kinh doanh lữ hành.
Những người đã tốt nghiệp ngành, chuyên ngành đào tạo liên quan đến các lĩnh vực như khách sạn, hướng dẫn du lịch, nhà hàng và các lĩnh vực chuyên môn khác thì chỉ cần tham gia kỳ thi để được cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch, không bắt buộc phải tham gia các khóa học mới được thi như quy định của Thông tư 06”.
Chuẩn hóa chuyên môn là cần thiết
Để hướng tới sự chuyên nghiệp, chất lượng của hoạt động kinh doanh lữ hành, nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, cần có sự thống nhất, chuẩn hóa về nội dung đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực du lịch, trong đó có lữ hành. Đối với những người đào tạo chuyên ngành khác hoặc chưa đúng ngành, chưa đúng nội dung cần được bổ sung kiến thức nghiệp vụ điều hành du lịch để chuẩn hóa kiến thức và cập nhật các quy định, chính sách, chiến lược phát triển mới của ngành du lịch.
Sự thay đổi về điều kiện kinh doanh lữ hành đối với người điều hành dịch vụ lữ hành từ quy định các doanh nghiệp tự xác nhận thời gian công tác, kinh nghiệm làm việc (Luật Du lịch 2005) sang quy định bằng cấp chuyên ngành về lữ hành (quy định của Luật Du lịch 2017) đã gây ra tranh cãi và nảy sinh vấn đề nhiều lao động trong ngành lữ hành sẽ phải thi để chuẩn hóa kiến thức.
Một số người đứng đầu các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cho rằng, dù không tốt nghiệp đúng chuyên ngành du lịch, lữ hành nhưng họ đã có kinh nghiệm kinh doanh trong ngành này nhiều chục năm, có người còn đi giảng ở các khoa đào tạo về du lịch, lữ hành. Bây giờ phải đi học lại những kiến thức cơ bản, họ cho là nực cười, tốn kém, không cần thiết…
Tuy nhiên, cũng có nhiều người đã đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và thi chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch lại khẳng định: Đi học và đi thi những thứ mình chưa được đào tạo, mới chỉ có kinh nghiệm là không hề thừa, rất bổ ích.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vân Hải Xanh (Quảng Ninh), học chuyên ngành Kế toán tại ĐH Kinh tế quốc dân, đã có hơn chục năm kinh nghiệm làm lữ hành chia sẻ: “Tôi cũng vừa đi học và thi nghiệp vụ điều hành du lịch ở Cao đẳng Văn Lang (Hà Nội). Ngoài những kiến thức cơ bản của ngành, chúng tôi còn được học cách xây dựng chương trình tour, tính giá tour và xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình đi tour. Chắc chắn khi học xong việc xử lý nghiệp vụ sẽ nhanh hơn, đúng trình tự và quy định của pháp luật hơn. Kể cả những anh em đã học đúng chuyên ngành chưa chắc đã cập nhật hết thông tin trong khóa học, nhất là những người đã tốt nghiệp từ lâu. Còn với những người trái ngành như tôi thì rất nên đi học, đi thi, sẽ không thừa vì vô cùng thiết thực”.
THÚY HÀ, theo Báo Văn hóa điện tử