Sài Gòn TPHCM tư liệu du lịch

SÀI GÒN TPHCM TƯ LIỆU DU LỊCH

Sài Gòn hay TPHCM một thành phố trẻ đầy năng động, trung tâm Kinh tế lớn nhất cả nước. Cùng với một tiềm năng du lịch vô cùng lớn.

Ở bài này huongdanviendulich.org xin được chia sẻ 2 thông tin đó là: “300 năm địa danh Gia Định xưa và nay” “Người Hoa ở Sài Gòn Chợ Lớn”.

Phần tài liệu sách vui lòng xem cuối bài viết.

P1: 300 năm địa danh Gia Định xưa và nay

(Đất Gia Định xưa thuộc nước Phù Nam, sau đó thuộc vương quốc Chân Lạp (nay là Campuchia).

Phủ Gia Định từ 1698 đến 1802

Sài Gòn TPHCM tư liệu du lịch 01

Năm 1698: Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý miền Nam, thấy nơi đây đất đã mở mang “hàng ngàn dặm và có dân trên 4 vạn hộ”. Để chấm dứt tình trạng lưu dân tự khẩn hoang lập ấp đó, Cảnh bèn lập phủ Gia Định để coi hai huyện: Phước Long (Biên Hòa) và Tân Bình (Sài Gòn, từ sông Sài Gòn đến sông Vàm Cỏ Đông). Diện tích rộng khoảng 30.000 km2.

Năm 1708: Mạc Cửu xin cho trấn Hà Tiên thuộc quyền Chúa Nguyễn. Năm 1732, chúa Nguyễn cho lập châu Định Viễn và dựng dinh Long Hồ (sau là Vĩnh Long). Năm 1756, tổ chức cai trị đạo Trường Đồn (sau là Định Tường).

Năm 1757: Chúa Nguyễn cho lập các đạo Đông Khẩu, Tân Châu, Châu Đốc. Từ đó toàn miền Nam thuộc về lãnh thổ và chính quyền Việt Nam.

Từ 1779: Phủ Gia Định bao gồm cả:

o Dinh Phiên trấn (Sài Gòn)

o Dinh trấn Biên (Biên Hòa)

o Dinh Trường Đồn (Định Tường)

o Dinh Long Hồ (Vĩnh Long, An Giang).

o Trấn Hà Tiên.

Như vậy, diện tích phủ Gia Định là diện tích toàn Nam bộ rộng khoảng 64.743 km2.

Gia Định kinh từ 1790 đến 1802: Sau khi thu hồi đất Gia Định, Nguyễn Ánh cho xây thành Bát Quái rộng lớn theo cách bố phòng Vauban, theo định hướng phong thổ Á Đông, theo mỹ thuật dân tộc Việt Nam và mệnh danh là Gia Định kinh.

Gia Định trấn từ 1802 đến 1808

Sài Gòn TPHCM tư liệu du lịch 02

 

Năm 1802: Nguyễn Ánh thu phục kinh thành Phú Xuân rồi lên ngôi và lấy đế hiệu Gia Long. Gia Long bèn hạ cấp Gia Định kinh xuống làm Gia Định trấn thành. Cải tên phủ Gia Định làm trấn Gia Định và đặt “trấn quan” để cai quản cả ngũ trấn là: trấn Phiên An, trấn Biên Hòa, trấn Định Tường, trấn Vĩnh Long, trấn Hà Tiên.

Gia Định thành từ 1808 đến 1832

Sài Gòn TPHCM tư liệu du lịch 03

Gia Định thành thay cho Gia Định trấn. Gia Định thành, đơn vị hành chính lớn cũng như Bắc thành cai quản cả xứ Bắc gồm nhiều trấn. Có lẽ phải đổi tên Gia Định trấn ra Gia Định thành để khỏi lẫn với 5 trấn dưới quyền. Từ đó, thành cai quản trấn để dễ phân biệt. Khi Trịnh Hoài Đức viết Gia Định thành thông chí là có ý nghiên cứu toàn hạt 5 trấn trên.

Tỉnh Gia Định từ 1836 đến 1867

Sài Gòn TPHCM tư liệu du lịch 04

Năm 1832: Sau khi Tổng trấn Lê Văn Duyệt mất, Minh Mạng liền cải ngũ trấn thành lục tỉnh. Là Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Đổi thành Gia Định – nơi trú đóng của Tổng trấn – làm tỉnh thành Phiên An – nơi trị sở của Tổng đốc coi riêng Phiên An thôi.

Năm 1835: Sau vụ Lê Văn Khôi, Minh Mạng cho phá thành Bát Quái và xây dựng Phụng thờ nhỏ. Gọi là tỉnh thành Phiên An.

Năm 1936: Cải tỉnh Phiên An ra tỉnh Gia Định. Tỉnh thành Phiên An cũng đổi ra tỉnh thành Gia Định. Tỉnh Gia Định đương thời rộng khoảng 11.560 km2.

Năm 1859: Pháp tới chiếm Sài Gòn và phá bình địa thành Gia Định. Pháp gọi là thành Sài Gòn.

Sau Hòa ước 1862 mất ba tỉnh miền Đông, Pháp vẫn chia tỉnh Gia Định làm 3 phủ như cũ: Tân Bình, Tân An, Tây Ninh.

Hạt Gia Định từ 1885 đến 1889

Từ năm 1867: Pháp bỏ tên tỉnh Gia Định mà gọi là tỉnh Sài Gòn. Tỉnh Sài Gòn cũng là địa bàn tỉnh Gia Định trước. Song không chia ra phủ huyện, mà chia ra 7 hạt tham biện (inspection). Trong đó có hạt Sài Gòn (không kể thành phố Sài Gòn). Hạt Sài Gòn gồm 2 huyện Bình Dương và Bình Long. Nhưng từ năm 1872, hạt Sài Gòn gồm thêm huyện Ngãi An (Thủ Đức) nguyên thuộc tỉnh Biên Hòa.

Năm 1885: Đổi tên hạt Sài Gòn thành hạt Gia Định. (Có lẽ để phân biệt rõ với thành phố Sài Gòn).

Tỉnh Gia Định từ 1889 đến 1975

Sài Gòn TPHCM tư liệu du lịch 05

Năm 1889: Bỏ danh xưng hạt (arrondissement), lấy tên tỉnh cho thống nhất với toàn quốc Việt Nam. Tỉnh Gia Định là 1 trong 20 tỉnh của cả Nam Kỳ lục tỉnh cũ. Tỉnh Gia Định (thu hẹp) này chia ra 18 tổng với 200 xã thôn, rộng khoảng 1.840 km2.

Năm 1944: Thiết lập tỉnh Tân Bình trên một phần đất của tỉnh Gia Định (bắc Sài Gòn như Phú Nhuận, Phú Thọ, Hạnh Thông, Tân Sơn Nhì…, vùng Thủ Thiêm và một phần Nhà Bè). Tỉnh này chỉ tồn tại đến cuộc Cách mạng 5-1945 rồi giải thể. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, một phần không nhỏ của địa phận tỉnh Gia Định đã là căn cứ Cách mạng kháng chiến.

Năm 1956: Vùng Củ Chi được trích ra để lập thêm 2 tỉnh Hậu Nghĩa và Bình Dương. Hậu Nghĩa lấy phần đất phía tây vẫn gọi là quận Củ Chi. Bình Dương lấy phần đất phía đông gọi là quận Phú Hòa.

Sau vụ chia cắt, Củ Chi cho 2 tỉnh Hậu Nghĩa và Bình Dương. Tỉnh Gia Định (1970) còn chia ra 8 quận với 74 xã, rộng 1.499 km2. Tình hình đó tồn tại đến ngày Giải phóng 1975.

Từ năm 1975 đến nay: Địa danh Gia Định không còn dùng để chỉ bất cứ một đơn vị hành chính nào. Song nhân dân miền Nam vẫn nhớ tên đó với nhiều ấn tượng sâu sắc và tốt đẹp. Sử sách Thành phố và toàn Nam Bộ luôn nói đến Gia Định từ suốt 300 năm qua để ghi dấu bao chiến công và thành tích phát triển vượt bậc của phần đất phía Nam của Tổ quốc.

P2: Người Hoa với Sài Gòn Chợ Lớn

Người Hoa ở Sài gòn có khoảng 400.000 người, chiếm gần 15% dân số toàn thành phố. Sài gòn là nơi tập trung người Hoa đông nhất nước ta. Người Hoa cư trú rải rác trong nhiều quận huyện của thành phố. Đông nhất là tập trung sinh sống ở các quận 5 (chiếm khoảng 45% dân số của quận), quận 11 (chiếm khoảng 45% dân số toàn quận) và các quận 10, quận 6, quận Tân Bình. Trong quá trình lịch sử xây dựng và phát triển, bà con người Hoa đã có nhiều đóng góp tích cực, to lớn và có một vị trí kinh tế-xã hội quan trọng của thành phố. Người Hoa, ngày nay là công dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Là một dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa.

Sài Gòn TPHCM tư liệu du lịch 07

Người Hoa có mặt ở Sài gòn vào cuối thế kỷ 17. Đó là những lưu dân miền Duyên Hải – Hoa Nam của lục địa Trung Hoa. Họ là những nông dân nghèo khổ, binh lính và một số quan lại phong kiến rời bỏ quê hương vượt biển tìm đất mưu sinh. Lý do rời bỏ quê hương của họ là tình trạng nghèo đói, loạn lạc bất yên, do những cuộc chiến tranh, những cuộc thanh trừng, bất phục tùng của các quan lại phong kiến, tri thức… Trên đường lênh đênh lưu lạc về phương Nam, một bộ phận lưu dân người Hoa có dừng chân, lập nghiệp nơi mảnh đất miền Nam Việt Nam, trong đó có khu vực Sài Gòn – Gia Định xa xưa.

Người Hoa đến Sài Gòn-Gia Định với nhiều đợt di dân, định cư. Mà một trong những đợt đông đảo, khá sớm là nhóm người của Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạc Định đến Việt Nam vào năm 1679 cùng với 3.000 người, 50 chiếc thuyền xuất phát từ Quảng Đông. Đoàn người của 2 người đến Đà Nẵng xin chính quyền phong kiến Việt Nam cho tỵ nạn.

Nhà vua Việt Nam đã cho phép những người Hoa này đến cư trú ở miền Nam Việt Nam. Nhóm của Trần Thượng Xuyên chọn đất Trấn Biên (nay là vùng Biên Hòa) để lập nghiệp. Một bộ phận của nhóm Dương Ngạn Địch đến vùng đất Phiên Chấn (sau là vùng Sài Gòn-Gia Định) tổ chức công cuộc định cư lâu dài, thành lập làng Thanh Hà. Năm 1778 nhóm cư dân của làng Thanh Hà chuyển từ vùng Biên Hòa về hợp nhất với bộ phận cư dân người Hoa ở Phiên Trấn lúc này đã lập nên làng Minh Hương. Thành phố Chợ Lớn đã khai sinh từ sự hợp nhất đó và nhanh chóng mở rộng để về sau trở nên thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn.

Tên “Chợ Lớn” vốn có từ năm 1801 khi Lê Văn Duyệt giữ chức Tổng Trấn Gia Định thành. Còn người Hoa vẫn quen gọi Chợ Lớn là “Đê Ngạn” (tiếng Quảng Đông là “Tai Ngon”). Những đợt di dân của người Hoa đến vùng Sài Gòn-Chợ Lớn còn tiếp diễn mãi đến năm 1949 – năm chính quyền cách mạng Trung Quốc ở lục địa thành công. Người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh có nhiều nhóm ngôn ngữ, chủ yếu gồm các nhóm sau đây:

– Quảng Đông
– Triều Châu
– Phúc Kiến
– Hải Nam
– Hẹ (Hakka)

Ngôn ngữ nhóm Hakka khá phức tạp, bao gồm nhiều nhóm nhỏ hơn và có sự dị biệt lớn. Tiếng Quảng Ðông và tiếng Triều Châu được nhiều người Hoa ở thành phố sử dụng và giao tiếp. Tiếng Bắc Kinh (phổ thông) cũng được các nhóm sử dụng và được giảng dạy trong nhà trường để cho con em người Hoa học.

Nhà nước phong kiến Việt Nam đã sớm công nhận một bộ phận người Hoa là công dân. Làng Minh Hương và Thanh Hà của người Hoa được hưởng các qui chế như các làng xã Việt Nam. Người Minh Hương cũng được đối xử bình đẳng như mọi thần dân trong vương quốc của nhà Nguyễn. Sự hội nhập của người Hoa vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam là một tất yếu lịch sử. Là một bảo đảm chắc chắn cho hiện đại cũng như tương lai của đồng bào Hoa ở nước ta.

Ở Sài gòn, người Hoa sinh sống bằng nhiều hoạt động kinh tế khác nhau, nhưng chủ yếu trên hai lĩnh vực: sản suất tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp, dịch vụ. Trên lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp của thành phố, người Hoa góp một phần quan trọng trong tổng giá trị sản phẩm. Ở một số quận đông người Hoa, từ 50% đến 70% giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp thuộc về bà con lao động người Hoa.

Hoạt động tiểu thủ công nghiệp của người Hoa ở thành phố rất đa dạng. Họ có mặt hầu hết trong các ngành lớn nhỏ. Đáng chú ý là có đông người Hoa tham gia ngành cơ khí, hóa nhựa, cao su, thủy tinh, thuộc da và sản phẩm của da, dệt,v.v.. Một số ngành nghề thủ công của người Hoa mang tính truyền thống và sản phẩm của họ được ưa chuộng trên thị trường trong nước cũng như ở nhiều nước như chế biến thực phẩm, hương liệu, đông nam dược v.v… Người Hoa ở Sài gòn cũng rất tài giỏi trên lĩnh vực buôn bán, dịch vụ.

Trước ngày giải phóng 30/4/1975, hơn 80 hàng hóa bán lẻ và 60% hàng hóa bán buôn của thành phố do người Hoa đảm trách. Nhiều công ty xuất nhập khẩu lớn thuộc người Hoa quản lý. Một số ngân hàng cũng nằm trong tay tư sản người Hoa. Từ sau ngày giải phóng, một số bà con buôn bán, dịch vụ người Hoa đã chuyển sang sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Nhưng trên mặt trận lưu thông phân phối, dịch vụ, người Hoa vẫn còn nhiều ưu thế.

Trong sản xuất và kinh doanh, người Hoa có một đội ngũ thợ chuyên môn tay nghề giỏi, tiếp cận kỹ thuật và thị trường thế giới nhanh chóng, linh hoạt. Giữ chữ “tín” trong quan hệ sản xuất, buôn bán là một đặc điểm và truyền thống của người Hoa.

Sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của người Hoa ở Sài gòn rất phong phú. Văn hóa của người Hoa là sự kết hợp giữa những nét truyền thống và được phát triển trong quá trình hội nhập của người Hoa vào Việt Nam, là sự giao lưu văn hóa với các dân tộc anh em trong cộng đồng Việt Nam.

Nếp sống của bà con lao động người Hoa tương đối giản dị, chất phác. Bà con còn bảo lưu nhiều tập tục, tín ngưỡng dân gian. Hàng năm vào các ngày tết cổ truyền như tết Nguyên Ðán, Nguyên Tiêu, Ðoan Ngọ, Trung Thu… bà con người Hoa thường tổ chức những cuộc vui hội lễ tưng bừng náo nhiệt. Nhà ở, chùa chiền, đình, miếu… được treo đèn kết hoa, dán đầy các mảnh giấy màu đỏ với dòng chữ chúc mừng hạnh phúc, bình yên, may mắn. Sân khấu hát Tiều, hát Quảng, múa Lân, múa Rồng, Sư tử… là những hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc của nghệ sĩ và quần chúng người Hoa.

Trong công cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp-Mỹ vừa qua, bà con người Hoa đã có nhiều hy sinh cống hiến to lớn vì sự nghiệp độc lập tự do của đất nước và thành phố. Những tên tuổi của các anh hùng liệt sĩ người Hoa như Trần Bội Cơ, Hàn Hải Nguyên, Lý Phong… còn sống mãi trong lòng nhân dân thành phố và dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bà con người Hoa tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng: tích cực lao động và hăng hái sản xuất, đạt nhiều thành tựu lớn lao, góp phần vì một Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp…

Sài Gòn TPHCM tư liệu du lịch 08

P3: Tài tiệu về Sài Gòn TPHCM

  1. Di cảo Vương Hồng Sển – Tạp bút năm Quý Dậu 1993
  2. 300 năm phật giáo Sài Gòn Gia Định TPHCM
  3. Chế độ công điền thổ – Nguyễn Đình Đầu T1
  4. Chế độ công điền thổ T2
  5. Gia định thành thông chí – Trịnh Hòa Đức 1
  6. Gia định thành thông chí – Trịnh Hòa Đức 2
  7. Gia định thành thông chí – Trịnh Hòa Đức 3
  8. Hơn nửa đời hư – Vương Hồng Sển
  9. Lịch sử Sài Gòn – st
  10. 100 câu hỏi đáp về GĐ SG TPHCM – Chiến dịch HCM
  11. 100 câu hỏi đáp về GĐ SG TPHCM – Di tích lịch sử văn hóa
  12. 100 câu hỏi đáp về GĐ SG TPHCM – Địa lý
  13. 100 câu hỏi đáp về GĐ SG TPHCM – Khảo cổ học
  14. 100 câu hỏi đáp về GĐ SG TPHCM – Lịch sử Đảng bộ TPHCM
  15. 100 câu hỏi đáp về GĐ SG TPHCM – Sân khấu cải lương
  16. Sài Gòn Năm Xưa – Vương Hồng Sển
  17. Sài Gòn Tạp Pín Lù – Vương Hồng Sển

Phần trước: Tài liệu du lịch tổng quan P1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *