Những vị hoàng đế “con nít” của lịch sử Việt Nam

NHỮNG VỊ HOÀNG ĐẾ “CON NÍT” CỦA LỊCH SỬ VIỆT NAM

Có rất nhiều vị vua trẻ con của Việt Nam được dựng lên từ những tính toán của “người lớn” và không bao giờ nắm được quyền lực thật sự. Không ít trường hợp đã kết thúc số phận của mình một cách bi thảm. Nhẹ nhàng hơn là chìm vào sự lãng quên của lịch sử. Nhưng cũng có một số vị vua lên ngôi từ thuở ấu thơ đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong sử sách.

Kỳ 1: Những “đứa trẻ” trở thành nhà cai trị sáng suốt

Trong lịch sử Việt Nam, có một số trường hợp hiếm hoi những vị vua lên ngôi từ khi còn là trẻ con đã trưởng thành trên ngai vàng và trở thành những nhà cai trị sáng suốt, lưu tiếng thơm cho hậu thế.

Vua Lý Nhân Tông

Người đầu tiên có thể kể đến là vua Lý Nhân Tông (1066 – 1127). Vị vua thứ tư của triều Lý. Ông có tên thật là Lý Càn Đức, là con trai duy nhất của vua Lý Thánh Tông và Ỷ Lan phu nhân.

Lý Nhân Tông lên ngôi năm 1072, khi mới 6 tuổi, sau khi vua cha Lê Thánh Tông mất. Khi còn nhỏ, ông nhờ vào Thái phi Ỷ Lan làm nhiếp chính, lại thêm sự phò tá của Thái sư Lý Đạo Thành và Phụ quốc thái úy Lý Thường Kiệt, những nhân vật lịch sử lỗi lạc Việt Nam.

Trong thời gian trị vì của mình, Lý Nhân Tông tỏ ra là một vị vua chú trọng văn hóa, giáo dục, biệt đãi nhân tài, trọng vọng các bậc thiền sư thạc đức. Dưới triều đại của ông lần đầu tiên nước Việt tổ chức khoa thi Tam trường và lập Quốc tử giám.
Lý Nhân Tông cũng là người quan tâm đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và cải cách quan chế. Ông ra quy định cấm giết trâu bò bừa bãi và cho đắp đê chống lũ lụt, nổi tiếng nhất là đê Cơ Xá, khởi đầu cho việc đắp đê ngăn lũ ở Việt Nam, nhằm giữ cho kinh thành khỏi ngập lụt. Năm 1086, ông định lại quan chế, chia văn võ bá quan làm 9 phẩm.

Vua Lý Nhân Tông làm vua đến năm Đinh Mùi (1127) thì mất, trị vì được 55 năm (1072 – 1127), hưởng thọ 62 tuổi. Với con số này, Lý Nhân Tông là vị vua ở ngôi lâu nhất trong lịch sử Việt Nam. Trong thời gian ông cầm quyền, Đại Việt trở thành một quốc gia hùng mạnh trong khu vực.

Vua Trần Minh Tông

Vua Trần Minh Tông (1300-1357) tên thật là Trần Mạnh, lên ngôi lúc 14 tuổi là vị vua thứ 5 của nhà Trần. Ông là người con thứ tư của vua Trần Anh Tông và Chiêu Hiến hoàng thái hậu Trần thị (con gái Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng).

Trong 15 năm trị vì (1314-1329), Trần Minh Tông được sử sách ghi nhận là người có tính tình nhân hậu, biết trọng người tài. Nhờ biết tôn trọng kẻ sĩ nên Minh Tông đã có dưới trướng mình những hiền thần như Đoàn Nhữ Hài, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Chu Văn An giúp. Năm 1323, ông đã cho mở khoa thi Thái học sinh chọn người có tài ra giúp nước.

Tuy nhiên, vua Trần Minh Tông cũng bị chê trách khi tin vào Trần Khắc Chung và Văn Hiến hầu nên đã giết Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn, một người có công, là ông chú ruột, đồng thời là quốc trượng (bố vợ) năm 1328. Cũng bắt đầu từ triều đại của Trần Minh Tông, họ Lê của Lê Quý Ly có cơ sở để chuyên quyền về sau.

Nhìn chung, triều đại nhà Trần dưới thời Trần Minh Tông tiếp tục duy trì sự thịnh vượng của các đời vua trước đã tạo nên.

Vua Lê Thái Tông

Lê Thái Tông (1423 – 1442), là vị Hoàng đế thứ hai của nhà Hậu Lê. Ông tên thật là Lê Nguyên Long. Con thứ hai của vua Lê Thái Tổ và bà Cung Từ hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần.

Lê Thái Tông lên ngôi năm 1433, khi mới 11 tuổi. Dù còn ít tuổi và có sự phụ chính của công thần Lê Sát nhưng ông đã khẳng định được sự thông minh, quyết đoán, đủ bản lĩnh đối phó với những vấn đề phức tạp của triều đình.

Không lâu sau khi lên ngôi, năm 1434 vua Lê Thái Tông đã ra chiếu cho bá quan văn võ chiêu mộ hiền tài. Năm 1438 ông cho mở khoa thi vào Quốc tử giám và chỉnh đốn việc thi cử các đạo. Năm 1442, ông mở khoa thi Tiến sĩ, tạo ra tục lệ khắc tên những người thi đỗ vào bia đá ở Văn Miếu.

Ngoài chính sách giáo dục, ông còn đề xuất nhiều biện pháp kinh tế như quy định lại những cách thức tiêu dùng tiền và lụa vải ở trong nước.

Khi Lê Thái Tông đủ 15 tuổi, lẽ ra Lê Sát phải rút lui nhưng vẫn tham quyền cố vị, tỏ ra chuyên quyền. Vua bất bình đã bãi chức Lê Sát và Lê Ngân rồi hạ lệnh giết chết những người này và đích thân chấp chính. Ông đã trọng dụng các đại thần chính trực như Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt…

Vào thời vua Lê Thái Tông đất nước thịnh vượng, no ấm được ca ngợi và đã đi vào ca dao của dân tộc. Những nước lân bang, như Xiêm La, Ai Lao và Chiêm Thành đều có sứ thần đi lại và thường có tiến cống.

Lê Thái Tông mất rất sớm, khi mới 20 tuổi, khi ở Lệ Chi Viên cùng Nguyễn Thị Lộ. Cái chết của ông là nguyên nhân vụ thảm án Án Lệ Chi Viên nổi tiếng, khiến Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi bị kết tội giết vua và tru di tam tộc.

Vua Lê Nhân Tông

Lê Nhân Tông (1441 – 1459), vị vua thứ ba của nhà Lê sơ tên thật là Lê Bang Cơ. Dù chỉ là con trai thứ ba, nhưng ông được vua cha Thái Tông phong làm Hoàng Thái tử vào năm 1441, khi mới vài tháng tuổi.

Năm 12 tuổi Lê Nhân Tông đã tự điều hành triều chính. Dù nhỏ tuổi nhưng ông chứng tỏ mình là vị hoàng đế anh minh, biết thương dân, sùng kính Nho giáo, xem trọng nghề nông và kính cẩn tông miếu. Ông không có thói đam mê tửu sắc, và biết tôn trọng những người có công đối với Vương triều.

Dưới triều Nhân Tông, nước Đại Việt thái bình thịnh trị, đời sống nhân dân ổn định, bờ cõi được bảo vệ và mở rộng.

Dù sáng suốt và nhân từ, nhưng vua Nhân Tông vẫn bị anh cả là Lê Nghi Dân oán hận và muốn đoạt ngôi vì ông chỉ là con thứ. Trong khi đó, Nhân Tông không đề phòng gì vì luôn coi Nghi Dân là anh ruột.

Một đêm cuối năm 1459, Nghi Dân cùng các thủ hạ đã bắc thang vào cung cấm giết vua Nhân Tông. Khi đó ông mới 18 tuổi. Cái chết của ông khiến cho quan lại “nuốt hận ngậm đau”, và thần dân “như mất cha mất mẹ”.

Những vị “hoàng đế con nít” nổi danh trong sử Việt (phần 2)

Cuộc hôn nhân giữa “nữ hoàng nhi đồng” Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh, người sau đó thành “hoàng đế trẻ con” là một biến cố hi hữu trong lịch sử VN.

Kỳ 2: Cuộc chuyển giao quyền lực giữa hai “đứa trẻ”

Nữ hoàng đầu tiên và duy nhất của Việt Nam

Lý Chiêu Hoàng (1218-1278), là con gái thứ hai của vua Lý Huệ Tông, tên húy là Phật Kim, sau đổi là Thiên Hinh, tước hiệu là Chiêu Thánh công chúa. Bà sinh ra trong bối cảnh triều đình nhà Lý đã rệu rã, mọi quyền hành đều rơi vào tay họ Trần mà đứng đầu là Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ, một quyền thần có rất nhiều thủ đoạn chính trị.

Lý Huệ Tông không có con trai nối ngôi, lại bị họ Trần chi phối nên bất đắc chí mà chìm ngập trong rượu chè và sinh bệnh tâm thần. Sử sách ghi, có khi vua tự xưng là Thiên tướng giáng sinh, tay cầm giáo và mộc, cắm cờ nhỏ vào búi tóc, đùa múa từ sáng đến chiều không nghỉ

Năm 1224, Trần Thủ Độ ép vua Lý Huệ Tông đi tu ở chùa Chân Giáo. Do Lý Huệ Tông không có con trai, ông phải xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm Thái tử, rồi truyền ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo, gọi là Lý Chiêu Hoàng.

Khi mới 6 tuổi, Lý Chiêu Hoàng trở thành vị vua thứ 9 của nhà Lý, đồng thời là nữ hoàng đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Đây là trường hợp chưa từng có tiền lệ trong sử Việt.

Trước đó, do quan niệm “Nữ nhân ngoại tộc”, trong trường hợp vua không có con rtai thì sẽ nhận con cháu trong hoàng tộc để truyền ngôi chứ không bao giờ nhận con gái. Điển hình là trường hợp vua Lý Nhân Tông truyền ngôi cho Lý Thần Tông, vốn là con của Sùng Hiển Hầu, em ruột của vua.

Ngồi ở ngôi báu khi mới còn quá nhỏ tuổi, không hề có kinh nghiệm về chính trị, trên thực tế Lý Chiêu Hoàng trở thành tấm bình phong cho Trần Thủ Độ thao túng triều chính. Mặc dù trong hoàng tộc nhà Lý thời điểm đó vẫn còn những nhân vật tên tuổi như Lý Long Tường, Lý Quang Bật… nhưng thế lực của họ không mạnh để đối đầu với họ Trần.

Việc lên ngôi lạ lùng của Lý Chiêu Hoàng là khởi đầu của một màn kịch hoành tráng và độc nhất vô nhị trong lịch sử Việt Nam. Cuộc hôn nhân chính trị Trần Cảnh – Lý Chiêu Hoàng

Trần Cảnh tên thật là Trần Bồ,sinh năm 1218, là con của Trần Thừa (anh họ Trần Thủ Độ). Do dung mạo khôi ngô tuấn tú và có tư chất thông minh, Trần Cảnh đã “lọt mắt xanh” của Trần Thủ Độ. Năm 8 tuổi, ông được được đưa vào cung làm Chánh thủ hầu hạ Lý Chiêu Hoàng để phục vụ âm mưu chính trị của ông chú.

Ngay từ buổi đầu gặp gỡ, Lý Chiêu Hoàng đã tỏ ra ưa thích Trần Cảnh. Bản thân Trần Cảnh rất biết giữ lễ vua tôi, hết mực cung kính khi đối đáp và phục vụ nữ hoàng nhỏ tuổi.

Một năm sau khi Lý Chiêu Hoàng ở ngôi, Trần Thủ Độ nhận thấy thời cơ đã chín muồi. Ông thực hiện một nước cờ hiểm: thuyết phục Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh. Đến đây, âm mưu đoạt ngôi nhà Lý của Trần Thủ Độ đã được thực hiện một nửa.

Theo quan niệm truyền thống, phụ nữ đã lấy chống thì phải phục tùng chống chứ không thể đứng trên chồng. Đó là cơ sở để vị Thái sư đã ra đòn quyết định: ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh. Vào đầu năm 1225, Lý Chiêu Hoàng viết chiếu nhường ngôi cho chồng. Trần Cảnh chính thức lên ngôi vua, lấy miếu hiệu là Trần Thái Tông. Trần Thủ Độ sau đó được phong làm Thái sư – chức quan cao nhất trong triều đình phong kiến Việt Nam.

Đến đây, màn kịch chính trị mà Trần Thủ Độ làm đạo diễn, Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng là hai diễn viên chính đã diễn ra một cách hoàn hảo. Bằng mưu lược của mình, ông đã biến việc đại sự quốc gia như nhường ngôi thành chuyện vợ chồng trong nội bộ gia đình và đoạt ngôi nhà Lý một cách nhẹ nhàng.

Với sự giúp sức của Trần Thủ Độ, trong thời gian Trần Thái Tông ở ngôi, đất nước Đại Việt ngày càng trở nên hùng mạnh và thịnh vượng. Ông ông ở ngôi hơn 32 năm (1225 – 1258) và làm Thái thượng hoàng cho đến khi mất (1277).

Đoạn kết cuộc tình “nữ hoàng nhi đồng” – “hoàng đế trẻ con

Dù đến với nhau như những quân cờ dưới bàn tay của Trần Thủ Độ, nhưng giữa cựu nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng và vua trẻ tuôi Trần Thái Tông đã nảy sinh tình cảm thực sự.

Sau khi nhường ngôi cho chồng, Lý Chiêu Hoàng đã được lập làm Hoàng hậu Chiêu Thánh. Bà chung sống với Trần Thái Tông hơn 10 năm, tình cảm khá mặn nồng, được Trần Cảnh vua yêu thương hết mực.

Nhưng một lần nữa Trần Thủ Độ lại can thiệp thô bạo và làm cuộc sống của bà bị đảo lộn.

Vì lấy nhau 12 năm nhưng Hoàng hậu Chiêu Thánh không có con, Thái sư Trần Thủ Độ đã ép Trần Cảnh phải bỏ Chiêu Thánh để lấy chị dâu (vợ Trần Liễu, chị ruột Chiêu Thánh) là công chúa Thuận Thiên đương có mang 3 tháng. Chiêu Thánh bị phế bỏ ngôi vị hoàng hậu, lui về ẩn mình trong cung cấm, toan dứt nợ trần tục.

Cuộc đời chỉ tươi sáng hơn khi 20 năm sau, khi đã ở độ tuổi 40, Chiêu Thánh được vua Trần Thái Tông đem gả cho Lê Phụ Trần, một đại tướng có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ.

Mặc dù việc làm của nhà vua bị người đời chê trách, nhưng bản thân cựu vương Lý Chiêu Hoàng đã tìm được một niềm hạnh phúc mới. Bà và Lê Phụ Trần đã có một cuộc sống yên ấm và đầy tình yêu thương. Họ đã có với nhau hai đứa con, sau này đều trở thành những người thành công trong sự nghiệp.

Lý Chiêu Hoàng mất năm 1278, khi 61 tuổi. Tương truyền ở tuổi lục tuần bà vẫn giữ được những nét xuân sắc hiếm có từ thời thiếu nữ…

Những vị “hoàng đế con nít” nổi danh trong sử Việt (phần 3)

“Các ngài muốn bắt buộc tôi phải làm vua nước Nam, thì hãy coi tôi như là một ông vua đã trưởng thành và có quyền tự do hành động”.

Trong giai đoạn Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ, nhà Nguyễn đã có 3 vị vua yêu nước được lịch sử tôn vinh. Có một điều trùng hợp là cả ba vị vua này đều lên ngôi từ khi còn là trẻ con. Sự nghiệp yêu nước của cả ba đếu đứt gánh giữa đường và chịu cảnh đi đày nơi xa xứ…

Hàm Nghi – ông vua nhỏ tuổi hiệu triệu cả đất nước

Vua Hàm Nghi (1871 – 1943) là vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn. Ông có tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, còn có tên là Nguyễn Phúc Minh. Ông là con thứ 5 của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn và là em ruột của Ưng Đăng (vua Kiến Phúc) và Chánh Mông – vua Đồng Khánh sau này.

Sau khi vua Tự Đức qua đời trong tình cảnh không có người nói dõi vào tháng 7/1883, các vị quan chủ chiến Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết quyết định đưa Nguyễn Phúc Ưng Lịch, khi đó mới 13 tuổi lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Hàm Nghi.

Ưng Lịch được chọn vì là một người có đủ tư cách về dòng dõi, nhưng chưa bị cuộc sống giàu sang của kinh thành làm vẩn đục tinh thần tự tôn dân tộc do từ nhỏ sống trong cảnh bần hàn, dân dã với mẹ. Và quan trọng hơn cả, do vua còn trẻ nên hai vị quan cấp tiến có thể định hướng theo đường lối kháng chiến một cách dễ dàng.

Việc vua Hàm Nghi lên ngôi khiến chính quyền bảo hộ Pháp tức giận, nhưng phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì sự đã rồi.

Những tháng sau đó, mối quan hệ giữa triều đình Huế và thực dân Pháp ngày càng trở nên căng thắng. Tôn Thất Thuyết quyết đinh ra tay trước để làm chủ tình hình. Đầu tháng 7/1885, ông đem quân đánh trại lính Pháp ở đồn Mang Cá. Quân Pháp nhanh chóng phản công, đánh bại quân triều đình. Tôn Thất Thuyết phải đưa vua Hàm Nghi rút chạy về thành Tân Sở (Quảng Trị).

Tại Tân Sở, theo kế hoạch của lực lượng kháng chiến, vào ngày 13/7/1885 vua Hàm Nghi đã ban bố chiếu Cần Vương làm dấy lên một phong trào chống Pháp rộng khắp. Tân Sở thất thủ mấy ngày sau đó, buộc lực lượng khởi nghĩa phải rút về các vùng rừng sâu để hoạt động

Trải qua các biến cố lớn, vua Hàm Nghi dần dần nhận thức được vai trò chính trị của bản thân, không còn cảm thấy bị cưỡng ép như trước. Ông đã khẳng khái từ chối lời chiêu dụ của vua anh Đồng Khánh cũng như Paul Bert – Toàn quyền Pháp ở Đông Dương.

Do sự phản bội của của Nguyễn Đình Tình và Trương Quang Ngọc, hai thành viên của đội quân kháng chiến, vua Hàm Nghi bị bắt vào đêm 26/9/1888, Nhà vua đã chỉ thẳng vào mặt Trương Quang Ngọc mà nói: “Mi giết ta đi còn hơn là mi mang ta ra nộp cho Tây”. Khi đó, ông mới 17 tuổi.

Triều đình muốn đưa Hàm Nghi về Huế, nhưng người Pháp lo sợ ảnh hưởng của ông nên đã Hàm Nghi cần phải được đưa đi tĩnh dưỡng để đày ông sang xứ Algeria ở Bắc Phi.

Cựu hoàng Hàm Nghi sống tại Algeria đến cuối đời. Ông mất ngày 4/1/1943 vì ung thư dạ dày tại biệt thự Gia Long, thủ đô Alger và được chôn cất ở Sarlat, vùng Aquitaine, nước Pháp.

“Cậu bé ngỗ nghịch” ThànhThái

Vua Thành Thái (1879 – 1954) là vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn. Tên húy của ông là Nguyễn Phúc Bửu Lân, còn có tên là Nguyễn Phúc Chiêu. Ông là con thứ 7 của vua Dục Đức và bà Từ Minh Hoàng hậu (Phan Thị Điểu).

Ngày 28/1/1889, vua Đồng Khánh lâm bệnh qua đời, con ông mới 3 tuổi nên không nối ngôi được. Nguyễn Phúc Bửu Lân trở thành người kế vị, lấy niên hiệu là Thành Thái. Khi đó ông mới 10 tuổi.

Khi mới lên ngôi, Thành Thái tỏ ra là một ông vua…ngỗ nghịch, thích chơi bời, quậy phá hơn là tham gia triều chính. Ông đã bị bắt ra quản thúc ở đảo Bồng Dinh trên hồ Tịnh Tâm một thời gian để đưa vào khuôn phép.

Khi lớn lên, vua Thành Thái ngày càng bộc lộ tinh thần dân tộc và chống Pháp. Do đọc những tân thư chữ Hán của Trung Quốc và Nhật Bản, vua Thành Thái đã tiếp thu tinh thần tự cường dân tộc và đầu óc cải cách.

Điều này đã dẫn vua Thành Thái đến các mối liên hệ với những người yêu nước. Có tài liệu nói ông đã toan bí mật sang Trung Quốc hoạt động, nhưng mới đi đến Thanh Hóa đã bị người Pháp ngǎn chặn. Nguồn tin khác cho rằng ông đã tạo điều kiện cho nhà cách mạng – hoàng thân Cường Để xuất dương theo Phan Bội Châu sang Nhật. Ông để còn cho cho họa sĩ Lê Vǎn Miến, người tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris vẽ lại các mẫu súng hiện đại của Pháp.

Đặc biệt, vua Thành Thái còn bí mật lập các đội nữ binh để che mắt Pháp. Theo một số tài liệu, ông đã chiêu nạp được 4 đội, mỗi đội 50 người, đội trước huấn luyện xong thì trở về gia đình và nạp đội mới, khi có thời cơ sẽ cùng nổi dậy chống Pháp. Nhưng sự việc cuối cùng bị lộ khi các quan trong triều báo cho người Pháp.

Người Pháp rất lo ngại tư tưởng cấp tiến của vua Thành Thái, tìm cách ngăn trở trở ông. Vào một lần nọ, Thành Thái đã giả hành động như một người mất trí để che mắt Pháp. Chính quyền thực dân lợi dụng cơ hội này vu cho ông bị điên, ép ông thoái vị, nhường ngôi cho con vì lý do sức khỏe.

Ngày 12/9/1907, ít ngày sau khi thoái vị, vua Thành Thái bị đưa đi quản thúc ở Vũng Tàu ngày nay. Đến nǎm 1916 ông bị đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân.

Đầu tháng 5/1945, cựu hoàng Thành Thái được cho về Việt Nam. Ông cùng gia đình sống ở Vũng Tàu và mất ngày 24/3/1954, thọ 75 tuổi, an táng tại khuôn viên lăng Dục Đức ở Huế.

Duy Tân – từ đứa trẻ “nhút nhát, đần độn” thành ông vua can trường

Vua Duy Tân (1900 – 1945) có tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh San, còn có tên khác là Nguyễn Phúc Hoảng, là vị vua thứ 11 của nhà Nguyễn. Ông là con thứ 8 của vua Thành Thái và bà hoàng phi Nguyễn Thị Định.

Ông lên ngôi vào ngày 5/9/1907, lúc 7 tuổi, sau khi vua cha Thành Thái bị đưa đi quản thúc. Vua Thành Thái có nhiều con trai, nhưng người Pháp đã chọn Vĩnh San làm người kế vị vì ông nhỏ tuổi và trông có vẻ “nhút nhát, đần độn”.

Nhưng Duy Tân đã thay đổi hoàn toàn kể từ khi lên ngôi vua và khiến thực dân Pháp phải hối hận vì đã chọn ông.
Mặc dù còn nhỏ và bị kiểm soát bởi các đại thần thân Pháp, vua Duy Tân luôn tỏ ra là một người có tư tưởng dân tộc, quyết đoán và không chịu lệ thuộc vào Pháp.

Vào năm 1912, ông đã ra lệnh đóng cửa Hoàng thành Huế để phản đối chiến dịch vơ vét vàng của Khâm sứ Georges Marie Joseph Mahé. Toàn quyền Albert Pierre Sarraut đã phải vào Huế để giải quyết vụ việc.

Năm 1913, khi 13 tuổi, vua Duy Tân cho rằng việc thi hành hiệp ước 1884 của hai nước Việt – Pháp đã không được tuân thú và yêu cầu người sang Pháp để duyệt lại hiệp ước này. Nhưng cả triều đình không ai dám nhận chuyến đi.

Năm 15 tuổi, vua Duy Tân triệu tập cả sáu đại thần trong Phụ chính, bắt buộc họ phải ký vào biên bản để đích thân vua sẽ cầm qua trình với toà Khâm Sứ nhưng các đại thần sợ người Pháp giận sẽ kiếm chuyện nên từ chối không ký.

Thái độ chống Pháp của ông lên đến cao điểm vào năm 1916, khi ở châu Âu đang xảy ra cuộc Đại chiến. Ông bí mật liên lạc với các lãnh tụ Việt Nam Quang Phục Hội như Thái Phiên, Trần Cao Vân và dự định khởi nghĩa.

Theo kế hoạch, khởi nghĩa sẽ nổ ra vào 1 giờ sáng ngày 3/5. Nhưng cuối tháng 4, một thành viên của Việt Nam Quang Phục Hội ở Quảng Ngãi là Võ An đã làm lộ tin. Cuộc khởi nghĩa không thể nổ ra như dự kiến. Trần Cao Vân và Thái Phiên định đưa vua tới vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, nhưng sáng ngày 6/5/1916 thì cả nhóm bị bắt.

Khâm sứ tại Huế và Toàn quyền Pháp thuyết phục vua Duy Tân trở lại ngai vàng nhưng ông không đồng ý. Ông đã tuyên bố: “Các ngài muốn bắt buộc tôi phải làm vua nước Nam, thì hãy coi tôi như là một ông vua đã trưởng thành và có quyền tự do hành động, nhất là quyền tự do trao đổi tin tức và ý kiến với chính phủ Pháp”.

Cuối cùng, vua Duy Tân bị đày đi đảo La Réunion ở Ấn Độ Dương cùng với vua cha Thành Thái vào năm 1916. Tại đây, do mâu thuẫn về tính cách với cha nên ông cắt đứt liên lạc với gia đình và sinh sống như một thường dân.

Trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 – 1945) vua Duy Tân gia nhập quân Đồng Minh chống phát xít Đức và được nhà lãnh đạo Charles de Gaulle của Pháp chú ý. Sau cuộc chiến, de Gaulle muốn đưa Duy Tân trở lại Đông Dương như một lá bài trong kế hoạch tái chiếm Đông Dương, trong khi ông cũng muốn lợi dụng de Gaulle để trở lại ngai vàng và từng bước củng cố độc lập dân tộc.

Nhưng kế hoạch chưa được thực hiện thì vào ngày 26/12/1945, ông tử nạn trong một vụ tai nạn máy bay ở Cộng hoà Trung Phi. Có giả thuyết cho rằng đây là âm mưu ám sát của người Anh, vì việc vua Duy Tân trở lại Việt Nam sẽ gây khó khăn cho Anh trong việc trao trả các thuộc địa.

Ngày 24/4/1987, thi hài cựu hoàng Duy Tân được đưa từ đảo Réunion về Việt Nam, rồi đưa về an táng tại Lăng Dục Đức, cạnh lăng mộ vua cha Thành Thái ở Huế.

(Hoàng Phương)

Xem thêm nhiều tài liệu thuyết minh khác : tại đây 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *