Huyền thoại khởi nghĩa Tây Sơn thượng đạo

HUYỀN THOẠI KHỞI NGHĨA TÂY SƠN THƯỢNG ĐẠO

Nói đến nhà Tây Sơn, người ta nghĩ ngay rằng thủ phủ của cuộc khởi nghĩa chính là vùng đất xã Kiên Mỹ, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Kỳ thực những ngày đầu ba anh em nhà Tây Sơn đã chọn vùng đất An Khê tỉnh Gia Lai để tập hợp nhân lực, đồn trữ binh lương và dựng cờ khởi nghĩa. Ngày đó, vùng đất này vẫn thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Tuy nhiên ngăn cách với đồng bằng bởi dãy núi trùng điệp nên được gọi là Tây Sơn thượng đạo…

Tư liệu về Tây Sơn thượng đạo liên quan đến cuộc khởi nghĩa của 3 anh em nhà Tây Sơn gần như không được đề cập nhiều đến trong sách sử. Sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” chỉ ghi một dòng ngắn ngủi: “Năm 1771, Nhạc thiết lập đồn trại ở đất Tây Sơn thượng đạo”. Lý giải cho việc ít ỏi thông tin này, theo những lời truyền miệng của người dân ở đây: sau khi lên ngôi vua, Nguyễn Ánh đã trả thù nhà Tây Sơn một cách hèn hạ và tàn khốc.

Do đó, người dân địa phương muốn thờ cũng phải giấu giếm, và tuyệt nhiên không bao giờ đề cập đến trong các sách vở. Vì vậy những gì liên quan đến ba anh em nhà Tây Sơn hiện nay còn lại chỉ qua lời kể được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Qua lời kể dân gian, những câu chuyện dần dần mang màu sắc thần thoại. Gắn với những di tích hiện có trên vùng đất này, người ta phần nào hình dung được một thời dựng nghiệp của nhà Tây Sơn. Chuyện Nguyễn Nhạc có vợ là người dân tộc Ba Na được người dân nơi đây khẳng định là sự thực.

Theo sử sách, từ thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, Tây Sơn thuộc phủ Quy Nhơn, bao gồm từ đồng bằng phía bắc tỉnh Bình Định lên đến vùng cao nguyên phía tây dãy Trường Sơn hùng vĩ. Phía đồng bằng được gọi là Tây Sơn hạ đạo. Vùng đất phía tây bên kia dãy đèo Mang hiểm trở tức đèo An Khê được gọi là Tây Sơn thượng đạo. Nay là các huyện An Khê, K’Bang, Kon Ch’ro của tỉnh Gia Lai.

Ngày ấy, theo lời khuyên của sư phụ dạy võ Trương Văn Hiến, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ từ vùng đất Kiên Mỹ thuộc hạ đạo đã lên đây lập căn cứ địa. An Khê có đất đai phì nhiêu, có nhiều lâm thổ sản quý, có mỏ sắt, mỏ diêm tiêu, nhiều voi ngựa… Cư dân hầu hết là người Ba Na và một số nông dân miền xuôi lên khai hoang, buôn bán.

Do những điều kiện địa lý, kinh tế, chính trị trên, Tây Sơn thượng đạo nhanh chóng trở thành căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa của ba anh em nhà họ Nguyễn. Tại trung tâm lòng chảo tức thị trấn An Khê ngày nay có một con đường mang dấu tích được đắp cao. Người dân gọi là “lũy ông Nhạc” và đây chính là trung tâm, chỉ huy sở của nghĩa quân.

Căn cứ đồn lũy của nghĩa quân Tây Sơn nằm trong một vùng đất rộng khá bằng phẳng thành một lòng chảo bởi được 4 mặt che chắn: đó là quần sơn Ngọc Linh ở phía bắc tức Kon Tum, cao trên 3.000m; hai dãy núi chạy song song theo hướng Bắc Nam là đèo Mang (đèo An Khê) và đèo Mang Yang (Cổng Trời); phía đông và đông nam có dãy Trụ Lĩnh trùng điệp bao bọc với những dãy núi cao bình quân trên 400m so với mặt nước biển.

Kế bên đó, con sông Ba và suối Cái làm thành hai chiến hào thiên nhiên bao bọc lấy mặt Tây và Nam. Toàn bộ khu vực này một lần nữa lại được bao bọc bởi một vành đai núi non án ngữ ở phía đông, gồm dãy đèo Mang nhiều ngọn núi cao dưới 1.000m, sườn đông dốc đứng cùng với 3 ngọn núi lớn là hòn Bình, hòn Nhược và hòn Tào tạo thành bức tường thành thiên nhiên vĩ đại.

Trong số 3 ngọn núi nhìn về phía đông, thì núi ông Bình (chỉ Nguyễn Huệ, cách gọi khác đi để che mắt nhà Nguyễn) cao nhất, đến 814m. Đứng ở đây, nghĩa quân có thể quan sát đến tận vùng hạ đạo, bờ biển Quy Nhơn. Hòn Bình nối với hòn Nhược (Nguyễn Nhạc) bằng một lũy đắp kiên cố tạo thành thế liên hoàn án ngữ phía đông và nam. Trong khi đó dưới chân hòn Tào (Nguyễn Lữ) là khu vực gò Kho, xóm Ké, nơi nghĩa quân đồn trữ binh lương.

Mặc dù được các bức tường thành thiên nhiên là núi non bao bọc bốn bên, nhưng từ Tây Sơn thượng đạo theo nhiều con đường xuyên sơn khác có thể đi ra các tỉnh phía bắc bằng con đường sang Kon Tum xuống Quảng Nam ra Huế. Còn phía nam, sông Ba và các con đường mòn dọc theo các sông, suối tạo thành nhiều đường giao thông thủy bộ quan trọng, nối liền Tây Sơn thượng đạo với vựa lúa Phú Yên và các tỉnh Nam Trung Bộ. Chính vị trí và địa hình ấy tạo cho An Khê có một địa bàn chiến lược lợi hại. Có thể coi vùng này như một bậc thang quan trọng giữa đồng bằng và Tây Nguyên. Từ đây nghĩa quân có thể tiến công xuống đồng bằng và rút về phòng thủ thuận lợi.

Người vợ Ba Na của Nguyễn Nhạc

Từ thị trấn An Khê đi về phía nam thị trấn chừng 8 cây số, người ta thấy một hòn đá hình chiếc ngai nằm bên bờ con suối Chơ Ngao tại làng Đê Chơ Gang thuộc xã Phú An. Người dân Ba Na đến giờ vẫn kính cẩn gọi đó là “to mo bok Nhạc” tức “hòn đá ông Nhạc”.

Lời kể của cụ Huỳnh Ngọc Chương năm nay trên 90 tuổi, có 6 đời lập nghiệp tại An Khê, kể rằng: ngày ấy có một người đàn ông người Kinh thường đến vùng này mua trầu. Người ta gọi ông là ông Hai Trầu. Ông Hai Trầu vẫn thường ngồi nghỉ chân tại hòn đá này, và sau này là nơi gặp mặt hội họp tướng lĩnh. Từ đời này qua đời khác, hòn đá này được coi là vật thiêng của làng. Ông Hai Trầu chính là Nguyễn Nhạc, người khởi nghiệp của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.

Tuy nhiên, nếu không có một người con gái Ba Na thông minh và xinh đẹp giúp sức thì Nguyễn Nhạc cũng khó lòng chiếm được cảm tình của người dân Ba Na nơi đây. Nàng tên là Ja Dok (đọc là Gia – Tót), con của vị tù trưởng Ba Na hùng mạnh và giàu có.

Những ngày Nguyễn Nhạc lên đây buôn bán trầu, bà có cảm nhận người này không chỉ đi buôn mà đang ấp ủ một việc lớn. Cảm tấm lòng người anh hùng, bà Ja Dok nhận làm vợ của ông. Ngày nay dân làng Si Tơ, xã Tơ Tung, huyện K’Bang không những tự hào là quê hương của anh hùng Núp, mà còn tự hào là nơi đã cung cấp cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn một nữ nhân anh kiệt. Dưới sự giúp sức của bà, Nguyễn Nhạc đã lấy được lòng cha bà là vị tù trưởng. Bà đã vận động cha và dân trong vùng ủng hộ cho nghĩa quân Tây Sơn 300 thớt voi, 400 ngựa và hàng trăm gùi lương thực.

Kể từ đó, công việc của bà gắn với hoạt động của nghĩa quân. Hiện nay dưới chân núi Ca Noong thuộc thôn Tú Thủy, xã Nghĩa An, huyện K’Bang hiện còn cánh đồng chừng 20ha, gọi là cánh đồng Cô Hầu, và một vườn khoảng 500 cây mít, vẫn còn những cây mít cổ thụ, đến mùa vẫn ra sai quả. Đây là nơi bà Ja Dok khai phá để sản xuất nuôi quân. Ngày đó từ thị trấn An Khê đi về phía nam là con đường độc đạo bé xíu, nhưng bà và Nguyễn Nhạc cũng đã đi cả trăm dặm đường vào tận làng Đê H’lang, xã Yang Nam, huyện Kông Chro, dưới chân núi Ja Prum để thuyết phục đồng bào Ba Na nơi đây đi theo cuộc khởi nghĩa.

Tại đây hiện giờ còn dấu tích của nền nhà, nhiều mảnh ngói vảy cá, một hồ nước xây bằng đá tổ ong. Mỗi khi đi qua đây, người dân tộc Ba Na vẫn bày tỏ niềm kính cẩn. Họ nói rằng đó là nền nhà của Nguyễn Nhạc. Cách nền nhà 500m, trong một hốc đá kín đáo bên bờ suối có nhiều đồng tiền xu bằng đồng, gọi là “kho tiền Nguyễn Nhạc”. Trong đợt khảo sát năm 1990, ngành văn hóa thông tin tỉnh Gia Lai sưu tầm được 15 đồng tiền xu gửi tặng Bảo tàng Quang Trung ở Bình Định.

Người dân vùng này kính trọng gọi bà Ja Dok bằng tên ngọn Ja Prum, ngọn núi cao nhất trong vùng. Sau khi bà mất đi, người Ba Na đã an táng bà trên ngọn núi cao nhất phía đông và lấy tên bà đặt cho ngọn núi, núi Ja Dok. Ngày nay dân làng Si Tơ và cả anh hùng Núp ngày còn sống, vẫn cho rằng trong làng vẫn còn dòng giống của nữ chúa.

Truyền thuyết về một thời dựng nghiệp

Tại thôn An Thượng, xã Song An, huyện An Khê, ngay trên trục quốc lộ 19 có một ngôi miếu nhỏ, gọi là miếu Xà. Chuyện tương truyền rằng, năm 1773, khi ba anh em nhà Tây Sơn xuất quân tiến xuống đồng bằng. Khi đến khúc ngoẹo Cây Khế tại đèo Mang (là khúc cua tay áo tại đèo An Khê hiện nay), bất ngờ có một con rắn đen như gỗ mun, to như cột đình ra nằm chặn giữa đường.

Trong hàng ngũ tướng lĩnh và nghĩa quân có người cho rằng đây là điềm gở, đề nghị thâu quân. Nhưng Nguyễn Huệ đã tiến lên, rút kiếm chém đứt đôi con rắn, lấy máu tế cờ và hòa rượu cho binh sĩ uống. Sau đó Nguyễn Huệ cho người trèo lên cây ké phất cờ và cây cầy gần đó nổi trống làm hiệu tiến binh. Từ lần xuất quân đó, Nguyễn Nhạc đã lấy được thành Quy Nhơn.

Câu chuyện truyền thuyết về Nguyễn Huệ như người anh hùng đất Bái trảm xà khởi nghĩa, theo lời kể của cụ Đỗ Tùng ở tại thôn An Thượng, xã Song An (đã mất). Sau khi thắng trận, Nguyễn Nhạc cho lập miếu thờ rắn thần tại ngoẹo Cây Khế, nhưng do thời gian và biến loạn nên người dân đưa miếu Xà về thôn An Thượng. Riêng cây cầy và cây ké, đã qua hơn 200 năm nên không còn dấu tích.

Để có được đội binh hùng tướng mạnh, ba anh em nhà Tây Sơn thời kỳ đầu đã có những cách thuyết phục người dân Ba Na khá ngoạn mục. Chuyện rằng lúc mới lên đây, người Ba Na thấy ba anh em Nguyễn Huệ còn trẻ tuổi nên không phục. Trước mặt dân làng, Nguyễn Huệ thách ai nhấc nổi tảng đá trên trăm cân thì làm vua. Không ai nhấc nổi, chỉ có Nguyễn Huệ nhấc lên nhẹ nhàng. Nguyễn Huệ đã cho lấy mật, mỡ viết vào lá cây rừng chữ “Nhạc làm vua, Huệ làm tướng, Lữ làm quan”. Loài kiến ăn theo đó thủng lá thành chữ. Sau đó Nguyễn Huệ sai người cứ nửa đêm lên ngọn Mò O đốt lửa. Người Ba Na lên xem, tin đó là lời Giàng phán, từ đó nghe theo.

Một kỳ công khác là Nguyễn Huệ đã chinh phục đàn ngựa rừng và từ đó thu phục vị tù trưởng Xê Đăng. Hồi đó trên núi Hình Hốt (còn gọi là núi Hiển Hách) có đàn ngựa rừng rất hung hãn, thường về phá rẫy nương của đồng bào. Nguyễn Huệ cho lựa trong bầy ngựa nhà một số ngựa cái thật sung sức, thả ra. Cứ đến chiều, ông lại ra gọi bầy ngựa cái chạy về và cho ăn cỏ. Bầy ngựa rừng lâu ngày thành quen, nhập cuộc với bầy ngựa nhà và sau này, mỗi lần ông gọi cũng theo ngựa nhà chạy đến. Vị tù trưởng Xê Đăng thấy Nguyễn Huệ gọi được bầy ngựa rừng, nghĩ rằng đây là người của Giàng. Từ đó quy phục và ủng hộ lương thảo, binh lính cho nghĩa quân.

Còn rất nhiều câu chuyện và dấu tích của nhà Tây Sơn tại vùng đất Tây sơn thượng đạo này. Ở phía nam huyện An Khê, vùng Bà Giang thuộc xã Bắc Giang, có một hồ cá xây bằng đá ong mang tên “hồ ông Nhạc”. Gần đấy có một đập nước lớn gọi là “sa khổng lồ”. Nhân dân địa phương quen nói “sa khổng lồ, hồ ông Nhạc”. Tương truyền rằng đó là hồ nước ăn của nghĩa quân. Kế đó có Hóc Yến và núi Lãnh Lương, nơi Nguyễn Nhạc mở tiệc khao quân và phân phát lương thực.

Ngoài việc thu phục người Ba Na, tại đây ba anh em nhà Tây Sơn cũng đã thu phục được những tướng tài cho cuộc khởi nghĩa. Tương truyền rằng khi nghĩa quân còn ở đây, Trần Quang Diệu đã từ Hoài Ân, Bình Định tìm đến. Giữa đường, Trần Quang Diệu bị cọp tấn công và ông đã đánh lại. Quần nhau nửa ngày trời, Trần Quang Diệu xuống sức và may sao lúc đó Bùi Thị Xuân cũng đang trên đường tìm Nguyễn Nhạc đầu quân, nhìn thấy và giương cung bắn chết cọp.

Cũng trên vùng đất thượng đạo này, cơ duyên đã đưa Vũ Văn Dũng đến với nghĩa quân. Một hôm ba anh em Nguyễn Huệ đi trên một con đường hiểm yếu, nghe một tiếng quát vang cả núi rừng, chim bay tan tác. Một tướng cướp vai hùm lưng gấu nhảy xổ ra và tấn công. Nguyễn Nhạc nghênh chiến. Hai bên quần nhau mấy trăm hiệp, không phân thắng bại. Nguyễn Huệ đứng ngoài xem và thấy đường võ của tên cướp rất giống những ngón đòn thầy dạy, bèn kêu dừng trận đánh lại và hỏi. Hóa ra tướng cướp tên là Vũ Văn Dũng, cùng học võ ở thầy Hiến. Nhận ra đồng môn, Vũ Văn Dũng về đứng dưới cờ Tây Sơn và sau này lập nhiều chiến công hiển hách .

 

Đặng Vỹ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *