Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc, gió nào độc bằng gió Gò Công

Không biết từ bao giờ trong dân gian Nam Kỳ đã truyền tai nhau câu ca dao “Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc, gió nào độc bằng gió Gò Công”.

Hồi nhỏ mình cũng cứ thắc mắc miết, nếu gió Gò Công độc thì độc thế nào? Sao lại không có gió nào độc bằng? Sao bao con người vẫn sanh sống ở đây?… Cho tới gần đây, có đọc một số bài viết về vùng Gò Công thì mới rút lại còn 2 giả thuyết đáng chú ý:

Lụt năm Giáp Thìn 1904:

Xét ra thì Nam kỳ có phước nhất trong các vùng miền khác. Về mặt thiên tai khi không mấy lúc xảy ra, mà cũng có thể do đó mà dân miệt này không có kinh nghiệm trong việc phòng chống, đối phó với bão lụt. Lịch sử nói lại là hồi năm Giáp Thìn 1904 vùng Gò Công đã hứng một trận lụt lịch sử khiến nhiều người chết và tài sản tiêu tùng vô kể.

“Gặp em đây mới biết em còn/ Hồi năm Thìn bão lụt anh khóc mòn con ngươi”…

Đọc lại sách sử thì trận bão năm này không chỉ quét tâm điểm vô miệt Gò Công, Định Tường mà còn lan rộng ra miệt Vàm Cỏ, Chợ Lớn, Gia Định và kéo tuốt lên trên Nam Vang. Sách của ông Sơn Nam còn diễn lại là bão đổ vô như hình cánh quạt, rẽ qua hai bên Đồng nai và Cửu Long rồi dồn lại, kẹp Gò Công vô chánh giữa nên bao nhiêu tai ương dân xứ này gánh đủ. Nhà cửa ruộng vườn tan nát, trâu bò ngổn ngang, bao nhiêu gia đình ly tán…

“Từ ngày bão lụt năm Thìn/ Đến nay trôi nổi mới nhìn đặng em”

Và cũng có thể từ sự kiện này, dân gian đã ví von miệt Gò Công khắc nghiệt qua câu ca dao “Gió nào độc bằng gió Gò Công”

Dòng Bao Ngược

Thời mà Nam Kỳ còn chưa phát triển, thì giao thông vận chuyển bằng đường ghe tàu giữ vai trò chủ yếu. Với vị trí nằm giữa hai hệ thống sông quan trọng giữa Đông và Tây Nam Kỳ, mặc nhiên Gò Công trở thành cửa ngõ tự nhiên quan trọng, là điểm trung chuyển giữa hai miệt. Phần lớn ghe xuồng xuôi ngược đều ngang qua sông Vàm Cỏ ở Gò Công đoạn này cũng được gọi với tên Bao Ngược

sông bao ngược-huongdanviendulich.org
sông bao ngược-huongdanviendulich.org

“Anh đi chuyến gạo Gò Công/ Anh về Bao Ngược bị dông rách buồm”

Cũng nhớ rằng khi đó ghe xuồng di chuyển không bằng máy dầu, mà bằng sức chèo hoặc dùng buồm để lợi dụng sức gió để chạy. Điều này sẽ tùy thuộc rất nhiều vào chiều và sức gió.

Khúc sông Vàm cỏ qua Gò Công dài chừng 10 cây số, khúc khuỷu hình dấu ngã với độ uốn éo khá sâu (ai giờ chạy trên cầu Mỹ Lợi, lúc xuống dốc mé Gò Công sẽ dòm thấy đoạn sông này quanh co kỳ cục, nhìn như sợi dây bị cuốn tối đa). Với kiểu hình dạng đó, chẳng có gió nào xuôi được, đi đằng nào cũng bị gió ngược do đó người lái phải vững tay. Nếu vụng về, thiếu kinh nghiệm thì lật ghe như chơi. Phần nữa là khi sóng bị gió đánh nổi lên cao, khi đến góc khúc thì bị chặn lại, đổ dồn ra cửa Vàm Cỏ tạo nên những đợt sóng cao, đặc biệt nguy hiểm cho ghe tàu của thương hồ.

Trong khi những tay chèo dẻo dai cũng phải kiêng nể khúc sông thì bọn cá tôm lại cố hết sức bình sinh, lao vào những cuộn nước xoáy âm thầm dưới lòng sông. Mé Gò Công, dọc theo khúc sông này là các xóm chày: Xóm đáy (chuyên đóng đáy), xóm ghe (đóng ghe), xóm voi/dôi (cục đất dôi ra giữa dòng sông)…. ngày đêm bủa vây dòng giống thủy tộc bằng nhiều phương tiện: câu, lưới cào, lưới đáy, đặt “đuôi chuột”…Nhờ vậy, mùa nào ở đây cũng sẵn có hải sản nước lợ đương vùng vẫy trong vựa. Nhớ hồi nhỏ, cứ mỗi chiều là má sẽ canh mấy chị đóng đáy bưng cá lên chợ bán, tôm cá loại này vừa tươi ngon nhảy roi rói…

Nhìn từ bắc Mỹ Lợi 

Ai mà có đọc truyện Hồ Biểu Chánh thì đâu đó sẽ bắt gặp đoạn sông này:

“Trước xóm có sông Bao Ngược tôm cá không thiếu gì. Dọc theo mé sông là dừa mọc đám nào đám nấy dầy bịt, đốn lá đó mà lợp nhà, khỏi đi đâu xa cho mất công. Có nhiều rạch và xẻo từ ngoài sông cái đâm vô xóm giúp cho ghe ra vô rất dễ…”

Cá nhân mình thì thấy giả thuyết thứ 2 có căn cứ và hợp lý hơn. Đó là dòng chảy quanh co, điều kiện địa lý hiểm trở, khúc sông uốn lượn, nước xoáy ở vàm sông, nguy hiểm luôn rình rập đối với ghe thuyền… nên giới thương hồ ngần ngại khi qua đây, lần hồi truyền miệng nhau rằng gió Gò Công “độc”.

Trong trường ca “Con Đường Cái Quan” của Phạm Duy, trường đoạn vào miền nam  có dùng câu ca dao trên để diễn tả sự khó khăn, khắc nghiệt của thiên nhiên nơi vùng đất mới. Qua đó cũng tỏ sự vui mừng của con người trước thiên nhiên để vẽ nên non sông nước Việt 

“Hò lơ hó lơ/ Lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ/ Hò lơ hó lơ/ 
Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc/ Gió nào độc cho bằng gió Gò Công 

Vợ chồng son đã nuôi lòng ước mong/ Thuận vợ chồng sẽ cùng tát Biển Đông 

Hò lơ hó lơ 
Lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ 
Hò lơ hó lơ…”

Tài Liệu : Sưu Tầm 

Một bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *