Đồng Tháp Mười – Điểm du lịch sinh thái lý tưởng vào cuối năm

ĐIỂM DU LỊCH SINH THÁI LÝ TƯỞNG VÀO CUỐI NĂM

Đồng Tháp Mười – Điểm du lịch sinh thái lý tưởng vào cuối năm.

Ngày nay, các loại hình du lịch xanh hay du lịch đồng quê đang ngày càng trở nên hấp dẫn. Dẫn đến hình thức du lịch này đang ngày càng được chú trọng phát triển ở nhiều địa phương. Đồng Tháp từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất trù phú với những cánh đồng lúa phì nhiêu, khí hậu lại trong lành mát mẻ. Đặc biệt ở đây có rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn đưa du khách hòa mình vào thiên nhiên

Thời gian 

Thời điểm đẹp nhất đến xứ sen hồng này là vào dịp gần Tết Nguyên Đán. Thời khắc hoàn hảo để chiêm ngưỡng sắc màu rực rỡ của những vườn hoa Sa Đéc. Hoặc vào mùa nước nổi (từ tháng 7 đến tháng 8 âm lịch) để thưởng thức đặc sản, chiêm ngưỡng cảnh từng đàn cò kéo nhau về tổ khi chiều tà…

Phương tiện di chuyển 

Đồng Tháp cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 150km. Và có nhiều hãng xe khách uy tín và chất lượng chạy tuyến Hồ Chí Minh – Đồng Tháp như Phương Trang, Kim Cương, Quốc Hoàng, Phú Vĩnh Long,…

Ngoài ra, du khách cũng có thể chọn xe máy để chủ động di chuyển. Như thế sẽ thuận tiện cho việc tham quan, tìm hiểu theo lịch trình riêng của mình

Nơi lưu trú 

Giá nhà nghỉ, khách sạn Đồng Tháp khá bình dân. Một vài khách sạn được du khách ưa thích tại thành phố Cao Lãnh như Sông Trà, Hòa Bình, Mộng Yến, Bình Minh… và ở thành phố Sa Đéc như Bông Hồng, Sa Đéc, Phương Nam…

Ngoài ra, du khách cũng có thể mang lều, trại để thử cảm giác mới trong những khu rừng tràm. Tuy nhiên việc này khá mạo hiểm và cần phải đi theo nhóm.

Ẩm thực

Nem Lai Vung: một món ăn mà bất cứ du khách nào đến Đông Tháp cũng nên thưởng thức. Nem được làm từ thịt, bì heo và một số gia vị như tiêu, ớt, tỏi được bọc lại trong các lớp lá chuối xanh mướt. Có những bí quyết riêng làm nên chiếc nem thơm ngon.  Thương hiệu ấy nổi tiếng đến mức dân gian truyền nhau câu ca dao:

“Lai Vung là xứ lạ lùng

Nem chua mà ngọt, thơm nồng mà say”.

Quýt hồng: loại đặc sản chỉ có ở huyện Lai Vung. Dù nơi khác cũng trồng nhưng chất lượng và mùi vị không bằng do đặc thù về thổ nhưỡng.

Cơm huyết rồng: được nấu từ gạo huyết rồng – một giống lúa được trồng ở vùng nước ngập sâu. Hạt lúa màu đỏ nâu, bẻ đôi hạt gạo vẫn còn màu đỏ bên trong. Đây là loại gạo có giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt là hàm lượng sắt, kẽm, canxi. Hay được dùng làm bột dinh dưỡng cho mọi người trong gia đình. Cơm được nấu từ loại gạo này có mùi thơm ngậy càng nhai càng có vị ngọt và béo bùi.

Món ngon Đồng Tháp

Cá lóc nướng lá sen non: khó ai mà quên được vị chan chát của lá sen non khi ăn cùng với cá lóc nướng. Nước chấm làm mắm me vừa chua, vừa ngọt, vừa có chút cay càng làm tăng thêm hương vị cho món ăn. Món được bán nhiệu tại các điểm du lịch Tràm Chim, Gáo Giồng, Xẻo Quýt, Đồng Sen…

Chuột đồng: được đánh giá là món ăn độc đáo của miền Tây vào mùa nước nổi, mùa gặt lúa… Chuột được chế biến thành các món như chuột nướng, chuột quay lu, chuột xào rau răm. Nghe đến chuột đa phần du khách đã cảm thấy sợ. Nhưng với mùi vị thơm ngon của món ăn đã khiến khá nhiều người khó cưỡng lại.

Lẩu cá linh bông điên điển: một trong những món ăn đặc trưng mùa nước nổi. Bông điên điển có hương vị rất đặc biệt. Có độ giòn thơm, bùi, béo thường dùng để ăn lẩu, nấu canh chua, làm gỏi… Cá linh hầu như chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch. Cá linh ngon nhất vào đầu mùa. Khi đó cá còn non, to bằng ngón tay út, có màu trắng bạc lấp lánh nên thịt ngọt, béo. Vị độc đáo của món này là vị ngọt của cá, vị chua chua, thơm giòn của bông điên điển. Lẩu cá linh có thể ăn kèm với bún tươi hoặc cơm nóng, nước mắm pha ớt để chấm cá.

Điểm tham quan

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê: tọa lạc tại đường Nguyễn Huệ, phường 2, thành phố Sa Đéc. Ngôi nhà được xây dựng năm 1895 này đặc trưng bởi sự kết hợp giữa lối kiến trúc Đông Tây. Bên ngoài được trang trí theo kiểu Trung Hoa. Bên trong có 3 gian theo truyền thống nhà người Việt với các cánh cửa gỗ được chạm khắc công phu. Ngôi nhà còn nổi tiếng bởi là bối cảnh chính của phim Người tình của đạo diễn Jane March. Một chuyện tình lãng mạn không biên giới giữa ông Huỳnh Thủy Lê với nữ nhà văn Pháp Marguerite Duras.

Chùa Kiến An Cung nằm tại trung tâm thành phố Sa Đéc. Chùa được một nhóm người Hoa ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) xây dựng năm 1924. Hằng năm chùa có 2 ngày lễ tế: ngày 22/2 và ngày 22/8 âm lịch. Mỗi 3 năm lập đàn cúng cầu siêu cho dân chúng quá vãng và cầu cho quốc thái dân an.

Chùa Phước Kiển (Chùa Lá Sen) tọa lạc tại xã Hòa Tân, huyện Châu Thành. Chùa trồng một loại sen có lá khổng lồ với đường kính từ 1,5 đến 2 m. Dày, gân lá to, mép cao đến 4-5 cm làm lá giống như một cái nia trông lạ mắt. Đặc biệt lá có thể chịu được sức nặng của một người lớn đến 70kg.

Về Đồng Tháp đến thành phố Cao Lãnh bạn có thể ghé Lăng Cụ phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ kính yêu. Khu di tích gồm 2 phần chính: nhà sàn Bác Hồ và ao sen. Đây là công trình ghi ơn người có công sinh thành ra chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng năm vào ngày 27/10 âm lịch, người dân và du khách tụ hội về. Tổ chức lễ giỗ cụ Phó Bảng trong không khí trang nghiêm như một lễ hội lớn của địa phương. 

Đến Khu di tích Xẻo Quýt (huyện Cao Lãnh, vốn là căn cứ Tỉnh ủy Kiến Phong, nay là Đồng Tháp), bạn được trải nghiệm trên xuồng ba lá xuyên qua rừng tràm, bãi gù, tham gia công sự, hầm bí mật, nơi làm việc của Tỉnh ủy thời kháng chiến còn lưu lại.

Đi vào Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng, bạn đi xuồng vào vườn chim nhiều chủng loại như: cò, cò ốc, cồng cộc… Du khách đến với Gáo Giồng sẽ cảm nhận được sự thanh bình và thích thú khi lênh đênh trên xuồng ba lá đi qua các kênh rạch, chạy xe đạp trong rừng tràm, nghỉ mát tại chòi lá và thưởng thức các loại đặc sản mùa nước nổi.
Vường quốc gia Tràm Chim

Đừng bỏ lỡ dịp vào Vườn quốc gia Tràm Chim nhìn Sếu đầu đỏ và hàng trăm động – thực vật ở đây. Đặc biệt ngắm cánh đồng hoa “vàng đầu ấn” khi mùa nước xuống, di chuyển bằng những chiếc “tắc ráng” – phương tiện đi lại trên kênh rạch Nam Bộ rồi ngắm nhìn hoàng hôn với những đàn chim bay lượn. Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới.

Đồng Sen Tháp Mười: vừa được khai thác khoảng 4 năm. Đây là điểm đến thu hút được khá đông khách thập phương đến tham quan. Đồng Sen nằm ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, cách thành phố Cao Lãnh 40 km. Du khách tới đây có dịp tận hưởng bầu không khí vô cùng êm dịu, được thử mình trong trang phục áo bà ba, nón lá đậm chất thôn quê. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức các món ăn làm từ sen như: chè sen, xôi sen, gỏi gà ngó sen, cá lóc nướng lá sen,…

Khu di tích Gò Tháp với diện tích bảo tồn khoảng 300 ha tại huyện Tháp Mười. Khu di tích gồm các cụm chính: Gò Tháp Mười, Gò Minh Sư, Gò Bà Chúa Xứ, Miếu Hoàng Cô, Đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, hố thám sát,… Hằng năm, tại di tích Gò Tháp tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn của Bà Chúa Xứ – ngày 15 tháng 3 âm lịch và 2 vị anh hùng dân tộc Thiên Hộ Võ Duy Dương, Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều – ngày 15 tháng 11 âm lịch. Nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh và trình diễn dân gian được tổ chức sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhân dân và du khách thập phương.

Ở cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà – Tân Hồng, nơi giao thương với nước bạn Campuchia, bạn nghe rộn ràng tiếng máy gặt liên hợp kéo lúa. Đến Hồng Ngự bạn lại ngắm nhìn làng cá bè trên sông. Đến với Làng hoa Sa Đéc xem người người trồng hoa, nhà nhà trồng hoa, thưởng thức hủ tiếu Sa Đéc, bánh phồng tôm Sa Giang, bột gạo lức Bích Chi nổi tiếng trong vùng.

Trước khi rời Đồng Tháp, bạn có thể ghé qua các vườn nhãn Châu Thành với những trái chín trĩu cành, thưởng thức tại chỗ với hương vị ngọt ngào khó quên.

Quà mang về

Bánh phồng tôm Sa Giang, trà Nhị Sen, nem Lai Vung, quýt hồng, xoài Cát Hòa Lộc…..là những món quà gọn nhẹ và đặc trưng cho Đồng Tháp mà du khách có thể mua về để biếu hoặc tặng cho gia đình và bạn bè.

Sưu tầm

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *