8 kỹ năng và 4 lĩnh vực tạo nên một hướng dẫn viên du lịch giỏi
Làm HDV có khó không? Đó là câu hỏi của rất nhiều bạn trẻ đang dự định học làm hướng dẫn viên hoặc những người đã đi làm nhưng lại muốn chuyển sang nghề hướng dẫn viên du lịch.
Vâng xin trả lời với các bạn luôn rằng: “làm hướng dẫn viên du lịch không khó. Chỉ cần các bạn học và làm theo đúng tiêu chuẩn nghề (hiện nay đang áp dụng là tiêu chuẩn VTOS) là bạn đã trở thành một người hướng dẫn viên du lịch”. Tuy nhiên nếu mà bạn cứ rập khuôn y như trong tiêu chuẩn nghề thì bạn sẽ không khác gì 1 cái máy, như vậy thì không còn có cảm xúc.
Vì để trở thành một “hướng dẫn viên du lịch ăn tiền” (câu nói vui trong nghề hướng dẫn viên) – tức là trở thành một người hướng dẫn viên giỏi, thì bạn phải là người bán cảm xúc giỏi.
Vậy làm thể nào để trở thành người bán cảm xúc giỏi?
Trong cuộc sống không riêng gì ngành du lịch cần phải biết bán cảm xúc giỏi, mà rất nhiều ngành dịch vụ khác cũng phải cần. Để làm được điều đó mỗi chúng ta cần phải có những kỹ năng nhất định. Và những kỹ năng này có một số người là bẩm sinh đã có. Nhưng đa phần chúng ta phải học và luyện tập với nó. Mời các bạn tham khảo 8 kỹ năng cần có trong công việc và cuộc sống.
1. Kỹ năng giao tiếp
Giao tiếp đó là điều rất cần trong cuộc sống hàng ngày. Làm thế nào để làm quen hay để bắt đầu 1 câu chuyện mà không ngập ngừng. Như bạn đã biết làm hướng dẫn viên du lịch nghĩa là bạn luôn sẵn sàng gặp gỡ, tiếp xúc và chào đón những vị khách lạ. Không chỉ là khách trong nước mà còn là những du khách nước ngoài. Họ đến từ nhiều nơi trân thế giới với nhiều nền văn hóa, phong tục tập quán khác nhau,… Trau dồi kỹ năng giao tiếp sẽ giúp bạn có thể tự tin tiếp xúc với mọi đối tượng du khách và dễ dàng tạo ấn tượng tốt với họ.
2. Kỹ năng xử lý tình huống
Trong cuộc sống có những việc người định nhưng không bằng trời định. Dù cho có những kế hoạch chuẩn bị chu đáo từng chi tiết một, thì trong quá trình triển khai kế hoạch đó không phải lúc nào cũng suôn sẻ như ta mong đợi – nhất là đối với những chuyến đi du lịch khám phá hoặc du lịch mạo hiểm. Vì vậy, kỹ năng phán đoán ứng biến – xử lý tình huống tốt sẽ giúp cho người hướng dẫn viên có thể làm chủ được tình thế và giảm bớt đi những rủi ro ngoài mong đợi xảy ra.
3. Kỹ năng thuyết trình trước đám đông
Người Việt chúng ta đa số là thiếu tự tin trước đám đông. Trong khi đó nhiệm vụ quan trọng của người hướng dẫn viên du lịch chính là truyền tải thông tin, thuyết minh du lịch trước du khách.
Vì vậy kỹ năng thuyết trình (nói) trước đám đông là rất cần thiết cho hướng dẫn viên. Bạn không thể truyền tải cho du khách bằng một giọng văn ru ngủ hay là lắp bắp run cầm cập trước du khách. Nếu bạn như vậy tức là bạn đã có chuyến hướng dẫn thất bại cho công ty du lịch và cho bản thân bạn.
Hãy trau dồi kỹ năng này, luyện tập hàng ngày như đứng trước gương chẳng hạn…
4. Kỹ năng tổ chức
Mỗi một tour du lịch đều đã lên 1 lịch trình sẵn về thời gian, điểm đến, chỗ ăn ở nghỉ ngơi,… Nhưng điều đó không có nghĩa rằng bạn cứ nhìn vào tờ kế hoạch và triển khai một cách máy móc và rập khuôn là xong.
Bạn hãy tạo ra những yếu tốt bất ngờ linh hoạt để sao cho mỗi một tour du lịch sẽ sinh động và hứng thú. Đó chính là điều đọng lại nhiều cảm xúc trong lòng khu khách.
Có thế nói, lịch trình là barem chuẩn của tour du lịch, còn người hướng dẫn viên du lịch tài ba phải biết thổi hồn vào hành trình đó, phải trở thành linh hồn của những chuyến đi.
5. Kỹ năng ngoại ngữ
Biết 1 thứ tiếng 1 ngoại ngữ nào đó là bạn đã hơn hẳn so với những người khác. Bạn không thể quanh quẩn mãi ở Việt Nam với du khách nội địa. Trong khi đó xã hội ngày càng phát triển và nhu cầu càng được nâng cao. Vì vậy ngoại ngữ được coi như một yêu cầu bắt buộc đối với bất cứ một hướng dẫn viên nào mong muốn bước chân vào nghề này.
Bạn hãy học và luyện tập không chỉ đơn giản ở việc thành thạo các kỹ năng nghe – để hiểu, và nói – để truyền đạt, mà bạn hãy nói như tiếng mẹ đẻ của mình. Điều đó sẽ giúp cho việc giao tiếp của bạn với du khách trở nên dễ thấu hiểu nhau hơn, có chiều sâu hơn.
6. Kỹ năng làm chủ cảm xúc
Kỹ năng nói trước đám đông và làm chủ cảm xúc là một trong những điểm yếu của người Việt. Là một người hướng dẫn viên du lịch, công việc của bạn giống nhứ là “làm dâu trăm họ”. Bạn phải luôn luôn trong tâm thế vui vẻ, cởi mở, thoải mái để phục vụ du khách được tốt nhất.
Bạn phải luôn luôn điềm tĩnh trước mọi tình huống, dù có xảy ra chuyện gì cũng phải giữ thái độ lịch thiệp với du khách. Bạn phải tạo cho du khách sự an tâm và thoải mái khi đồng hành với mình. Đây chính là kỹ năng cần thiết mà bạn phải trau dồi để thành công trong công việc này.
7. Kỹ năng quan sát
Trong công việc và cuộc sống, quan sát là 1 điều tưởng đơn giản nhưng thật ra rất quan trọng. Từ quan sát bạn sẽ lắm bắt được tâm lý khách từ đó bạn sẽ đưa ra được những tình huống xử lý hay giao tiếp 1 cách tốt nhất. Quan sát không chỉ là nhìn, mà phải là “nắm bắt” – nhìn và thu nhận được gì.
Giao tiếp ứng xử không phải lúc nào cũng được thực hiện qua ngôn ngữ nói, mà nhiều khi là một cử chỉ, là một ánh mắt, là một cái nhíu mày, hay cái bĩu môi,… Nếu là người giỏi quan sát, bạn sẽ thấy trong hàng chục khuôn mặt có thể có những nét biểu cảm khác nhau. Bạn sẽ “đo” được chỉ số cảm xúc của khách đang như thế nào. Từ đó sẽ giúp bạn điều chỉnh ứng xử để thay đổi cảm xúc du khách theo hướng tích cực hơn.
8. Kỹ năng hài hước
Cuộc sống thì bộn bề vất vả, để làm tưới mới hơn đó chính là những tuor du lịch. Vì vậy người hướng dẫn viên du lịch cần phải trang bị cho mình kỹ năng hài hước để làm cho chuyến tham quan trở lên vui vẻ sống động. Và thường thì chúng ta ai cũng yêu những người có khiếu hài hước (bẩm sinh), ở bên họ chúng ta không bao giờ dứt nụ cười. Tuy nhiên chúng ta đừng có lạm dụng quá kỹ năng hài hước này, mà hãy là một người hài hước thông minh, có như vậy sẽ tránh được những cái quá lố xảy ra.
Vậy với 8 kỹ năng trên đã đủ cho một hướng dẫn viên giỏi và tài ba chưa? Chắc chắn là chưa các bạn ạ.
Lịch sử – địa lý – văn hóa đó là xương sống của nghề du lịch. Những điều này bắt buộc bạn phải biết phải hiểu, nếu không chắc chắn bạn sẽ là hướng dẫn viên thất bại. Tuy nhiên để giỏi để thành hướng dẫn viên xuất sắc bạn cần phải biết thêm nhiều lĩnh vực.
Vậy những lĩnh vực nào hướng dẫn viên du lịch nên biết?
1. Kiến trúc
Biết về kiến trúc là điều cần thiết nên có ở người hướng dẫn viên. Đứng trước một ngôi nhà hay 1 di tích bạn không thể chỉ nói về lịch sử hình thành nên nó và các giai đoạn lịch sử xảy ra cùng với nó được. Điều đó sẽ rất là nhàm chán. Mà cái tạo nên ngôi nhà hay di tích đó còn là kiến trúc của nó.
Khi bạn hiểu về kiến trúc bạn sẽ thuyết minh về vẻ đẹp của kiến trúc của từng giai đoạn lịch sử, của từng triều đại lịch sử. Chẳng hạn như cùng là tượng con Rồng tại sao thời Lý, thời Trần , thời Nguyễn lại khác nhau. Hay như nhà cổ Bắc bộ lại khác nhà cổ Nam bộ… Biết về kiến trúc bạn sẽ giải thích thế nào lưỡng long chầu nguyệt, lưỡng long chầu nhật…
2. Phong thủy
Thật tuyệt vời khi bạn là người hướng dẫn viên mà biết về phong thủy. Vâng cũng trước một ngôi nhà hay di tích nào đó chắc chắn du khách sẽ hỏi tại sao nó lại quay hướng nam, tại sao trước nhà có con sông… Bạn tin tôi đi, sẽ có những đoàn khách du lịch không cần bạn thuyết minh lịch sử đâu, chỉ cần nghe bạn thuyết minh về phong thủy là đã ok rồi.
Nhớ nhé, phong thủy là một chuyên đề tạo lên thương hiệu cho một hướng dẫn viên du lịch đó.
3. Tôn giáo
Biết về tôn giáo rất cần cho những hướng dẫn viên có những tour du lịch tâm linh. Bạn không hiểu về tôn giáo chắc chắn khi dẫn những tour nhà thờ, chùa đền, phủ miếu, bạn sẽ thất bại. Hihi, đôi khi có du khách nhờ bạn viết sớ hộ đấy – hãy cẩn thận nhé.
4. Âm nhạc
Bạn nghĩ sao khi dẫn du khách tới quê hương quan họ, du khách yêu cần bạn hát 1 làn điệu quan họ. Bạn lại không biết? Hay xuôi theo dòng sông Hương du khách muốn nghe một câu hò Huế. Rồi vô Nam bộ du khách muốn nghe một đoạn ca cổ, hay điệu hò huê tình.
Hãy tập hát bạn nhé, có thể giọng bạn hát không hay nhưng cần phải đúng giai điệu.
Kiến thức thì mênh mông, học cả đời không hết. Tuy nhiên khi đã là HDV thì bạn phải liên tục cập nhật trau dồi, không ngừng đọc. Trước mỗi tour ngoài chương trình có sẵn bạn cần biết khách hàng của mình là ai, làm gì. Để từ đó bạn lên nội dung thuyết minh cho quá trình đi tour sao cho phù hợp.
Ngoài 4 lĩnh lực trên thì bạn cũng cần phải biết về: bóng đá; thực vật cây cỏ; động vật (có 1 tour đi thăm sở thú cho các em nhỏ mà không am hiểu là mệt đấy nha); đi ra biển thì phải biết các loài cá, nước nắm làm như nào nè, rồi muối làm sao; hội họa; thẫm mỹ; điện ảnh, và nhiều thứ khác nữa.
Hướng dẫn viên du lịch là cái gì cũng biết, cái gì cũng am hiểu mỗi thứ 1 chút. Nhưng điều quan trọng nhất là khi cung cấp nội dung cho du khách thì phải đúng, phải chính xác.
Trên đây là 8 kỹ năng và 4 lĩnh vực cơ bản để các bạn trau dồi học hỏi. Sẽ còn nhiều sai sót nên rất mong được sự đóng góp và ủng hộ của các bạn trong nghề. Cảm ơn nhiều!
Sau đây là chương trình 5 phút dành cho quảng cáo. Bạn nào có nhu cầu làm hướng dẫn viên thì xem tham khảo nhé.
- Chương trình dành cho người muốn làm hướng dẫn viên du lịch nhưng học trái ngành du lịch. Tức là tốt nghiệp từ trung cấp trở lên nhưng không phải là chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch. Lớp này tổ chức trên toàn quốc: Xem tại đây các bạn nhé!
- Chương trình dành cho các bạn tốt nghiệp từ cấp 2, cấp 3 (PTTH). Các bạn sẽ học trung cấp hoặc cao đẳng du lịch tại Hà Nội nhé: xem tại đây