Tại sao hầu hết các tỉnh ở đồng bằng sông cửu long đều có huyện Châu Thành

TẠI SAO HẦU HẾT CÁC TỈNH Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG ĐỀU CÓ HUYỆN CHÂU THÀNH 

Đây là tên gọi chung để chỉ lỵ sở hay thủ phủ của tỉnh. Về sau biến thành danh từ riêng và được đặt cho hàng loạt huyện ở Nam Bộ.

Các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang, Trà Vinh… đều có một huyện cùng tên gọi. Đó là huyện Châu Thành

Từ Châu Thành được sử dụng khá nhiều làm địa danh ở miền Nam. Trong lịch sử, “châu thành” là danh từ chung để gọi lỵ sở hay thủ phủ của tỉnh.

Theo tác giả Nguyễn Thanh Lợi trong bài viết Địa danh Châu Thành đăng trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (số 3/2009), sau khi chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, tháng 6/1867, Pháp ra nghị định chia 6 tỉnh Nam Kỳ ra 24 hạt tham biện.

Lỵ sở của hạt gọi là châu thành, có chức năng như một trung tâm hành chính của hạt. Tỉnh Sài Gòn có các châu thành Sài Gòn, Chợ Lớn, Cần Giuộc…; tỉnh Mỹ Tho có các châu thành Mỹ Tho, Chợ Gạo, Cần Lố, Cai Lậy.

Từ năm 1912, địa danh Châu Thành chính thức được đặt tên cho nhiều đơn vị hành chính cấp quận ở Nam Kỳ. Ở hàng chục tỉnh như Mỹ Tho, Cần Thơ, Sa Đéc, Sóc Trăng… đều có quận Châu Thành. 

Trong văn học dân gian Nam Bộ có nhiều câu có từ “châu thành”. Mặc dù trong văn bản được viết hoa, nhưng được hiểu như một danh từ chung, chỉ nơi phố xá đông đúc, văn minh.

Hiện, Châu Thành được sử dụng để đặt tên cho 11 huyện ở các tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang (có huyện Châu Thành và Châu Thành A), Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Tây Ninh.

Huyện Châu Thành ở tỉnh nào giáp Campuchia?

Việt Nam và Campuchia có đường biên giới chung trên đất liền dài 1.270 km. Ở Nam Bộ, đường biên giới này đi qua các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.

Trong đó, huyện Châu Thành duy nhất có đường biên giới là thuộc tỉnh Tây Ninh. Huyện này gồm thị trấn Châu Thành và 14 xã.

Có bao nhiêu huyện Châu Thành ở Nam Bộ có thị trấn tên là Châu Thành?

TL: Có 4 thị trấn Châu Thành ở các tỉnh Nam Bộ

Trong các tài liệu chữ Hán, từ “châu thành” được ghi bằng nhiều cách với nghĩa khác nhau. Như thành sở của một châu (một đơn vị hành chính ở miền biên ải thời phong kiến); thành ngọc châu (được dùng như một biệt danh để chỉ một số thành thị) hoặc bao quanh thành phố (các địa danh Châu Thành ở Việt Nam được ghi và hiểu theo nghĩa này).

Tác giả Nguyễn Thanh Lợi trong bài viết Địa danh Châu Thành trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (số 3/2009) cho rằng, vị trí địa lý của các huyện Châu Thành hiện đều nằm ở cửa ngõ các tỉnh lỵ như tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh…

Điều này có nguyên nhân lịch sử. Ban đầu, châu thành chỉ các trung tâm hành chính, nơi có chợ búa, cơ quan của hạt trú đóng. Sau khi thành lập các thị xã với chức năng tỉnh lỵ, nó chiếm một phần diện tích của châu thành. Phần còn lại vẫn giữ tên cũ là quận Châu Thành và sau này là huyện Châu Thành.

Hiện, 4 thị trấn ở các huyện Châu Thành thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh cũng mang tên Châu Thành.

Huyện nào có 4 thị trấn?

TL: Huyện Châu Thành A tỉnh Hậu Giang có 4 thị trấn

Năm 2000, huyện Châu Thành (tỉnh Cần Thơ) được tách ra để thành lập mới huyện Châu Thành A. Năm 2003, tỉnh Cần Thơ được chia thành thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Sau đó, Chính phủ quyết định huyện Châu Thành A thuộc về tỉnh Hậu Giang. Ngoài một phần đất của huyện này được nhập vào quận Cái Răng và huyện Phong Điền tp Cần Thơ.

Châu Thành A được coi là cửa ngõ của tỉnh Hậu Giang. Nơi hội tụ nhiều lợi thế để phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp.

Hiện, huyện Châu Thành A có đến 4 thị trấn trực thuộc, gồm Một Ngàn (được chọn làm huyện lỵ), Bảy Ngàn, Rạch Gòi, Cái Tắc. 

Làm Chay là tên một lễ hội tâm linh vì cộng đồng, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cúng cô hồn thập loại chúng sinh. Lễ hội này diễn ra ở huyện Châu Thành nào?

TL: Lễ hội Làm Chay ở huyện Châu Thành thuộc Long An

Từ “làm chay” xuất phát từ chữ đọc trại của từ “làm trai đàn” do người miền Nam phát âm sai chữ tr và ch mà ra. 

Lễ hội Làm Chay diễn ra từ ngày 14 đến 16 tháng giêng âm lịch. Bắt nguồn từ sự kiện Pháp xử bắn hai nhà yêu nước là Đỗ Tường Tự và Đỗ Tường Phong.

Quân đội Pháp nghiêm cấm việc làm ma chay và khóc thương. Do dịch bệnh hoành hành mùa màng, nhân dân Tầm Vu (Châu Thành, Long An) mượn cơ hội làm trai đàn để xua đuổi côn trùng phá hoại mùa màng, vừa làm lễ trai đàn cho những người đã ngã xuống vì quê hương.

Hàng năm, nhân dân huyện Châu Thành bày biện các bàn thờ cúng để hưởng ứng lễ Làm Chay ở thị trấn Tầm Vu. Năm 2015, lễ hội này được công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia.

Đồng bằng sông cửu long
Đồng bằng sông cửu long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *