Chợ Việt trong du lịch
Tài liệu về chợ Việt được chia sẻ ở cuối bài viết. Một tài liệu khá bổ ích và hấp dẫn cho những hướng dẫn viên du lịch chưa có. Bài viết dưới đây sẽ sơ lược 1 chút nào đó về văn hóa chợ của người Việt.
Chợ – nét văn hóa đặc thù của người Việt
Không ai biết chính xác chợ đươc hình thành từ khi nào. Có bao nhiêu cái chợ và bao nhiêu loại chợ búa khác nhau ở Việt Nam. Nhưng có một điều chắc chắn rằng chợ không chỉ nằm trong phạm trù kinh tế đơn thuần mà còn biểu hiện văn hóa Việt Nam một cách đậm nét.
Việc đi chợ Việt Nam ngoài việc thoả mãn sở thích mua sắm còn là để tìm hiểu bản sắc văn hoá mỗi vùng miền. Mỗi vùng đất có một cái chợ riêng cho mình và lưu giữ độc quyền một giá trị.
Ở thành phố chợ đông đến tận khuya. Ở đồng bằng, chợ miền quê, chợ duyên hải có khi là một buổi mua bán ngắn ngủi vào bình minh hay chiều tối thường gọi là “chợ mai” hay “chợ chiều”. Rồi chợ “phiên” miền núi lâu lâu mới họp một lần. Người địa phương chờ được đi chợ như đi lễ hội. Ở đó, kiểu thương mại bằng cách trao đổi hàng hoá như từ thời cổ đại vẫn còn sót lại. Như biểu tượng cho vẻ đẹp “mua bán” nguyên sơ của ngày thơ ấu nhân loại.
Ðến chợ du khách sẽ đắm mình trong cảnh chen chúc, đông đúc và có thêm một chút gì đó lộn xộn, ồn ào nhưng vui và ấm áp.
Tay nắm tay, vai chạm vai, mắt nhìn nhau được hỏi han, mời chào như người nhà… được nghe những mùi vị thơm thảo của xứ sở quê hương lan toả khắp không gian. Mắt nhìn no nê trước những sắc màu tươi tắn của cây trái, sản vật, hàng hoá…
Còn mỏi chân vì lòng vòng dạo chợ ư? Có thể nghỉ ngơi với ly nước giải khát trên tay. Hay đói một chút, chiếc ghế bằng gỗ mộc mạc sẽ chờ du khách sẵn đấy với vài món ăn nóng hổi, tuỳ thích như dự một bữa tiệc tốc hành.
Khó có thể nói hết những cảm xúc tươi nguyên khi đi chợ Việt ở các vùng đất khác nhau. Đi chợ miền biển, du khách sẽ thấy những con cá còn quẫy trong những chiếc thùng bằng nan tre đan rất khéo léo. Con tôm, con cua ngọ nguậy, những con sứa óng ánh sắc cầu vồng vừa từ biệt biển khơi phập phồng trong rổ… Chợ miền quê là những trái dừa còn “chỏm tóc”. Là rau răm, riềng, sả, tỏi, hành và rau ngũ điếc, nồng cay mùi vị khó quên. Là lúa gạo, sắn khoai lam lũ nhọc nhằn…
Lên chợ miền núi, trung du, nơi có những túi thổ cẩm, chéo dù, khăn voan rực rỡ, những chiếc sọt mây bóng bẩy tài hoa, những da gấu, nhung nai, da trăn, mật ong, xa nhân, những cây kim hạt muối quí báu từ miền xuôi mang lên, tình nghĩa… Rồi chợ miền Ðông, miền Tây Nam bộ, tấp nập xuồng ghe. Chợ trên sông bồng bềnh cánh võng với cây trái, lúa gạo, tôm cá miệt vườn của một vùng kênh rạch phù xa miền Nam đầy sắc thái lạ lùng…
Vâng, đi chợ, có khi du khách sẽ được nghe cả tiếng đàn bầu, đàn nhị, được nghe những câu truyện lục bát của cụ Ðồ Chiểu, Nguyễn Du… lẫn các nghệ sĩ dân gian… Rồi những cuộc biểu diễn vội vã với những bài võ, trò xiếc, tấu hài… Biết đâu ở đấy, một phương thuốc đặc hiệu cổ truyền sẽ giúp bạn khỏi bệnh như các “nhà tiên tri” ấy đã nói…!
Mỗi vùng đất có một cái chợ riêng cho mình và lưu giữ độc quyền một giá trị.
Chợ Ðồng Xuân ở Hà Nội và chợ Bến Thành ở Sài Gòn, chợ Hàn ở Ðà Nẵng, chợ Buôn Mê ở Tây Nguyên; chợ Sa Pa ở Tây Bắc; chợ Ðầm ở Nha Trang; chợ Ðông Ba ở Huế… cứ như thế “kẻ tám lạng người nửa cân”, không đi, không đến, không bao giờ hiểu được.
Có thể vì nhiều lẽ mà chợ Việt Nam có sức lôi cuốn, hấp dẫn một cách đặc biệt. Không chỉ đối với người dân địa phương mà cả người nước ngoài. Và còn là kỷ niệm khó quên của những người xa quê hương.
Một nhà khoa học nữ, Việt kiều ở Mỹ trong bức thư gửi về cho người bạn gái đã nói lên nỗi mong ước duy nhất của mình: khi trở về Việt Nam là để được đi chợ.
Một người nước ngoài làm công tác văn hoá nhiều lần đến Việt Nam đã nói về “chợ Việt”: Ðó là thương trường bán lộ thiên kỳ diệu. Như sự bùng nổ của sắc màu, âm thanh, hương vị của thiên nhiên, con người và xứ sở.
Quả thật đi chợ Việt, cũng là lúc con người ta chìm đắm trong một biểu cảm của một sắc thái Việt, một thứ văn hoá sống động chứa chất đầy một tính duy cảm.
Chợ quê
Ở nông thôn Việt Nam, thường mỗi xã hoặc một vài làng liền kề nhau có một cái chợ. Chợ của làng nào, xã nào thì gọi theo tên của làng ấy, nói nôm na đó là loại chợ quê.
Chợ quê lại có hai loại, chợ phiên và chợ hôm.
Chợ phiên họp vào những ngày theo một chu kỳ nào đó. Khi nói chợ họp ngày ba và ngày tám, có nghĩa là phiên chợ họp vào những ngày mồng ba, mồng tám, mười ba, mười tám, hai ba, hai tám mỗi tháng (theo âm lịch). Gần đây nhiều chợ chọn ngày chủ nhật làm phiên họp chính. Phiên chợ chính bao giờ cũng đông người. Ngoài những sản phẩm địa phương, ở chợ còn có nhiều mặt hàng công nghiệp, hàng đắt tiền.
Ở chợ hôm, người mua người bán chỉ thưa thớt, trao đổi những thứ cần thiết như hoa quả, dầu, muối, rau, tôm cá, trứng,… và thường nhóm họp vào buổi chiều nên còn gọi là chợ chiều.
Chợ vùng cao
Vùng cao thường là nơi sinh sống của những dân tộc ít người. Phiên chợ ở đây ngoài mục đích mua bán hàng hoá, còn là một ngày hội văn hoá rất đặc sắc.
Người đi chợ mặc những bộ quần áo đẹp nhất, leo dốc, lội suối cả ngày, có khi mấy ngày. Họ đến chợ từ chiều hôm trước để thổi khèn, thổi sáo, hát múa, vui chơi tới tối có khi thâu đêm. Người lớn gặp gỡ bạn xưa, trai gái thì tìm hiểu và kết bạn…
Chợ nổi
Chợ nổi là nét sinh hoạt độc đáo của vùng châu thổ sông Cửu Long. Chợ họp trên sông, giữa một vùng sông nước bao la là hàng trăm, hàng nghìn chiếc ghe, xuồng của dân miệt vườn miền Tây Nam bộ về đây tụ tập mua bán.
Chợ họp suốt cả ngày, nhưng nhộn nhịp nhất là vào buổi sáng. Thuyền, ghe nào cũng xếp đầy hàng hoá nông sản. Các loại trái cây theo mùa như: chôm chôm, xoài, cam, quít, bưởi, măng cụt, sầu riêng… các đặc sản của vùng sông nước kênh rạch như: cá đồng, rùa, rắn, cua, tôm, chim đồng, bông súng…
Ở đây mọi sự mua bán chỉ diễn ra trên ghe, thuyền. Các loại dịch vụ, ăn uống cũng diễn ra ngay trên những chiếc ghe, xuồng.
Các chợ nổi lớn của miền Tây như các chợ nổi Phụng Hiệp, Phong Ðiền (Hậu Giang), Cái Răng (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang)… Phần lớn các loại nông sản, trái cây ở đây được bán sỉ cho những thương nhân. Rồi từ đó được chuyển tới các nhà máy chế biến thực phẩm, hoa trái hay chở ra tận Hà Nội và các địa phương miền Bắc.
Chợ hoa xuân
Chợ Tết, chợ hoa xuân, hội hoa xuân là những sinh hoạt đặc thù tạo nên không khí vui vẻ nhộn nhịp, đô hội những ngày Tết cổ truyền. Chợ tết, chợ hoa xuân thường hiện diện trong đời sống tinh thần ngày xuân vào những ngày cuối cùng của năm cũ. Khi mọi nhà đã hoàn tất công việc mua sắm, sửa soạn để chuẩn bị đón xuân: cũng là lúc hội hoa xuân tưng bừng góp mặt.
Ðiều dễ nhận thấy ở hội hoa xuân là sự hội tụ những tinh hoa tài nghệ của những nghệ nhân “chơi cảnh”. Cây, hoa, đá cảnh: không biết từ bao giờ, đã là thú chơi tao nhã của những người dân. Và hình như truyền thống văn hoá này còn gợi lên cái cốt cách lãng mạn của các chủ nhân vùng đất xanh tươi, trù phú và thơ mộng.
Sự tinh lọc, quá trình đúc kết, niềm say mê và sự hoàn thiện theo thời gian đã hình thành nên những địa danh cây cảnh nổi tiếng Việt Nam: Nhật Tân, Đăm (Hà Nội), Thủ Ðức, Hoóc Môn (TP HCM) với các loài mai cổ thụ, mai ghép; Cái Mơn (Bến Tre); Cái Bè (Tiền Giang), An Bình (Vĩnh Long), Sa Ðéc (Ðồng Tháp) có nghệ thuật uốn ghép, bonsai, cảnh trung, cảnh cổ thụ; Bình Quới (TP HCM), Ðà Lạt độc đáo với các loại lan rừng quí hiếm, lan lai, lan ghép; nghệ nhân thành phố biển Nha Trang độc quyền về nghệ thuật cảnh đá tự nhiên, cây khô; vùng Tân Bình, Bình Thạnh (TP HCM) tập trung nghệ nhân cảnh non bộ.
Ðến hẹn lại lên, cứ mỗi độ xuân về, ở cái thời khắc mà mọi người, mọi nhà chuẩn bị tống tiễn năm cũ, đón năm mới: các nghệ nhân với hành trang là những chậu cảnh, những tác phẩm nghệ thuật từ thiên nhiên lại hẹn hò hội ngộ nơi Hội hoa xuân, để góp phần tô điểm thêm hương sắc mùa xuân cho đời và đem lại cho mọi người những niềm vui trong chuyến du xuân đầu năm.
Ngày xưa, hội hoa xuân thường chỉ diễn ra trong vòng thời gian một tuần (từ 30 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng). Ðịa điểm tổ chức hội hoa xuân là công viên, vườn hoa ở các thị xã, thành phố và ở đình làng nơi những miệt quê. Thật là hiếm tỉnh nào ngày tết mà lại vắng bóng hội hoa xuân.
Song ghi dấu ấn đậm nét nhất tại phương Nam là hội hoa xuân Sài Gòn. Trước kia được tổ chức ở Thảo Cầm Viên và từ năm 1981 dời về vườn hoa Tao Ðàn. Nơi đây những ngày tết qui tụ đủ mặt những nghệ nhân chơi cây cảnh nổi tiếng của Nam Bộ từ Long An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Sa Ðéc, Ðà Lạt, Biên Hoà, Bến Tre, Vĩnh Long đến tận Nha Trang.
Những năm gần đây, hội hoa xuân còn vinh dự đón nhận sự góp mặt của những nghệ nhân cây cảnh nổi tiếng xứ Bắc Hà. Những nghệ nhân nước ngoài cũng đã chú ý đến hội hoa xuân Nam bộ: nghệ nhân Thái Lan, Ðài Loan, tham dự với những tác phẩm phong lan quí hiếm, các bạn Nhật Bản với bonsai và nghệ thuật cắm hoa.
Trong khuôn viên rộng lớn, rợp bóng những cây sao, cây dầu cổ thụ; những tác phẩm dự hội hoa xuân được sắp xếp rất khoa học theo từng chủ đề đặc trưng để phục vụ khách tham quan. Nổi bật và cuốn hút đông đảo du khách là gian hàng trưng bày mai cảnh loài hoa được coi là biểu tượng của người dân phương Nam.
Nhiều chậu mai đẹp và độc đáo tới mức khó tìm thấy một bản sao. Hầu hết những gốc mai cảnh thường có tuổi đời rất cao, nhiều gốc tới 70-80 năm. Mỗi gốc một vẻ thể hiện nét cầu kỳ, tinh xảo và đa dạng khi uốn ghép. Có những cây được uốn theo các thế, có những gốc lại được ghép thành nhiều tâng, nhiều tán.
Ðiều đặc biệt hấp dẫn: những bông mai khoe sắc ở mỗi gốc không chỉ là loại mai vàng truyền thống năm cánh va còn đan sen những bông mai 9, 10, 12, 24, 32 và thậm chí tới 48 cánh. Màu sắc của những bông mai cũng không chỉ có màu vàng mà còn có cả những bông mai màu xanh, đỏ, kem và màu cam trên cùng một thân cây. Vào những ngày đầu năm mới, khi những chậu mai đồng loạt khoe sắc: thật khó tưởng tượng những tác phẩm của thiên nhiên lại tuyệt mỹ đến vậy!
Cùng với mai cảnh, thuộc nhóm này còn có các loại: cảnh trung và bonsai mà chất liệu cấu trúc phong phú hơn. Từ những gốc si, bồ đề, me, mai vàng, mai chiếu thuỷ, cùm rụm, sương rồng… chúng được hãm trong những chậu nhỏ tạo dựng lại sự hùng vĩ của thiên nhiên theo những thế “nghing sơn”, “chiếu thuỷ”, “thăng thiên”, “yểm địa”, “suy phong”, “chân nôm”, “siêu phong”…
Nhóm cảnh non bộ: qui tụ nhiều nghệ nhân với rất đông hiện vật theo 3 thể loại: “Non bộ lớn”, “Non bộ trung”, “Non bộ nhỏ”. Từ những hòn đá trong thiên nhiên và vật liệu kết dính, bằng bàn tay tài hoa, trí tưởng tưởng đa dạng và một tâm hồn lãng mạn, những nghệ nhân đã sáng tạo ra vô số những ngọn núi theo những chủ để ước lệ của thẩm mỹ.
Ở nhóm hoa tươi, sự sinh động không chỉ bởi những công chúng tham quan mà còn bởi sự phong phú, rực rỡ của các loài hoa.
Những giỏ phong lan gây sự chú ý đặc biệt: nghệ nhân Ðà Lạt, Ðồng Nai giới thiệu những loại lan rừng hiếm và đẹp như tuyết mai, long tu, ý thảo, giả hạnh, hoả hoàng, hải yến mà đời thường ít khi bắt gặp. Nghệ nhân Thái Lan, Ðài Loan và Bình Quới, An Phú (TP HCM) trung thành với sản phẩm truyền thống: lan lai, lan ghép thật quý. Loại lan này không rực rỡ khoe sắc và có phần hơi đằm, nhưng quả thật chúng đẹp và rất bền.
Cùng với phong lan, những bông hồng nhung, hồng vàng, những chậu xương rồng, bát tiên, tuy líp cũng có phần hãnh diện khi đón nhận tiếng trầm trồ nơi du khách. Lớp người cao niên thường thưởng thức rất kỹ những tác phẩm tự nhiên: đá và cây khô. Nơi rừng sâu núi thẳm chúng chỉ là những vật vô tri vô giác, song dưới cái nhìn của những nghệ nhân: những hòn đá, những gốc cây khô lại trở nên có hồn và trở thành tác phẩm nghệ thuật.
Nét sôi động, sự ngộ nghĩnh… ở hội hoa xuân có lẽ phải kể đến sự góp mặt của những lồng chim và những chậu cá cảnh. Suốt ngày đêm, nơi này liên tục cất lên những âm thanh quyến rũ của các loài chim hót: hoạ mi, thanh tước, hồng tước, bạch yến, hoàng yến, thanh yến, chích choè lửa, chích choè than, khiếu, chóp mào, sơn ca, vành khuyên… ngay cả ngôi nhà của chúng; kiểu dáng, sự trau chuốt, nét cầu kỳ cũng thực sự là một tác phẩm nghệ thuật.
Ở hội hoa xuân các nghệ nhân còn giới thiệu một số loài chim biết nói, đặc biệt có những con nói được cả 3 thứ tiếng: Việt, Anh, Hoa như sáo, két, nhồng, cà cưỡng. Thú vị và gay cấn hơn là những màn đá chim: có 2 loài chim cảnh biết “thượng đài” là chích choè lửa và hoạ mi. Rèn luyện cho chúng biết đá hiện vẫn đang là bí quyết của một số ít người. Những trận đá chim không chỉ là những trận thư hùng mà còn là những màn biểu diễn điêu luyện cuốn hút.
Góp phần đáng kể cho sự hấp dẫn và tồn tại một nét đẹp văn hoá – hội hoa xuân có lẽ không thể quên sự đóng góp của các hoạt động văn hoá nghệ thuật: múa rối, múa lân, thi cắm hoa, trưng mâm ngũ quả và cả một số trò chơi phong phú.
Chợ Âm Dương
Chợ nằm ở địa phận Làng Ó (nay là làng Xuân Ổ), xã Võ Cường, thị xã Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Mỗi năm chợ chỉ họp một lần vào đêm mồng 4 rạng ngày mồng 5 Tết (tháng giêng âm lịch).
Những huyền thoại về chợ Âm Dương
Theo tương truyền của người xưa, nơi họp chợ Âm Dương xưa là bãi chiến trường. Do đó có nhiều người chết. Chợ họp là để tạo cơ hội cho người chết và người sống gặp nhau. Chợ bắt đầu họp vào lúc lên đèn, trên một bãi đất trống cạnh ngôi miếu cổ có tiếng là linh thiêng của làng.
Chợ không có lều, quán, không sử dụng đèn nến. Người đi chợ mang một con gà đen đã được chăm sóc cẩn thận làm vật tế Thành Hoàng làng. Trong chợ cũng có cả những dãy hàng mã, hương, nến, cau trầu. Ở đầu chợ, người ta đặt một chậu nước để thử tiền âm hay tiền dương. Có người sớm hôm sau xem trong túi đựng tiền toàn là vỏ hến, lá đa, thậm chí có cả mẩu yếm sồi. Mọi người đều rất vui vẻ vì coi đó là dịp làm điều phúc, điều thiện với người đã chết. Chợ tan khi còn đêm.
Với người dân nơi đây, chợ Âm Dương cũng chẳng khác một lễ hội cầu mùa ở các địa phương khác. Bởi nó mang đậm nét văn hóa dân gian vùng Kinh Bắc và đã tồn tại cách đây gần ngàn năm. Vào dịp đầu Xuân năm nào cũng vậy. Mọi người đến hội chợ chỉ cốt được cầu may. Những điều rủi ro, phiền muộn sẽ được xóa tan khi vào đêm hội chợ. Có như thế việc làm ăn, mùa vụ năm đó mới thuận lợi, được mùa bội thu.
Người xưa đi chợ Âm Dương
Bây giờ, cũng không ai còn nhớ phiên chợ Âm Dương đầu tiên bắt đầu từ khi nào, chỉ biết rằng ngày xưa, làng Ó còn nghèo lắm. Thiếu ăn, thiếu mặc nên con cháu phải kéo nhau đi làm thuê ở những tỉnh xa. Dẫu có đi nơi đâu, nhưng nhớ ngày hội chợ Âm Dương, họ lại rủ nhau về dự đêm hội chợ và để có cơ may gặp lại người đã mất.
Họ tin rằng, hòa lẫn trong dòng người đến phiên chợ đêm nay sẽ có cả hương hồn của ông cha. Người thân hiện về để tìm gặp lại gia đình, bạn bè. Để an ủi, động viên nhau xua tan nỗi buồn, nhớ tiếc người thân đã mất. Họ cùng ca những làn điệu dân ca quan họ của quê mình. Hát mãi, buồn hóa thành vui, nỗi tiếc nhớ hóa thành niềm hạnh phúc khi có thêm bạn bè làm trà, rượu, bạn tâm tình. Chợ tan khi đến canh ba. Trong sương sớm, khúc Giã bạn như làm các liền anh, liền chị thêm nghẹn lời, lưu luyến hẹn đến phiên chợ lần sau.
Cụ Nguyễn Văn Hỷ (85 tuổi), một trong những già làng ở làng Xuân Ổ, kể: Ngày xưa, cụ nghe rằng chợ bắt đầu họp vào lúc chập tối. Mỗi dịp lễ hội làng đều có đến 2 sào đất ruộng làm bãi chợ bán gà đen đủ loại to, nhỏ. Nhiều gà lắm nhưng cũng không ai biết mỗi phiên chợ tiêu thụ khoảng bao nhiêu con gà. Bởi chợ bán nhiều gà đen. Nên người ta gọi là chợ Gà Đen và tên làng Ó cũng có từ thuở ấy. Người bán có thể là người làng, cũng có thể là người từ nơi khác đến. Điều đặc biệt là chỉ bán gà mái đen, mà không phải gà trống để cúng giỗ như nhiều nơi.
Chợ không có lều quán, không hàng lối. Người bán để gà trong lồng nhỏ, cũng có người ôm gà trên tay. Người mua chỉ sờ xem gà béo, gầy. Người bán không nói giá cả, người mua không mặc cả, trả bao nhiêu tiền cũng được. Mua gà xong, người ta mua thêm vàng mã, trầu cau, nến, hương đã được bó sẵn thành bó để về hóa gửi cho người cõi âm. Trong đêm, chỉ có bóng người lờ mờ qua lại và tiếng thì thào làm quen. Họ mời nhau khi tan chợ thì về ăn cơm và hát quan họ cùng gia đình để lấy may.
Người ta mua gà đen nhiều như vậy là để ngày 8 (tháng giêng) là đem vào hội đình làng dự Cỗ Kén (tức là cỗ chọn) giữa Lục Giáp (6 Giáp – các đơn vị dân cư của làng) bằng cách chọn những con gà làm đẹp, xôi ngon. Những mâm xôi này là phải do các trai tráng trong làng quây cót giã gạo nếp trước hàng tháng trời. Bản thân họ phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng, vóc dáng khỏe mạnh (đã ăn ở thanh tịnh 2 tuần lễ).
Mỗi Giáp sẽ làm 2 lễ, 6 Giáp có 12 lễ, trong đó Ban Tổ chức là những người già làng sẽ chọn 3 lễ đẹp nhất, ngon nhất để dâng lên 3 bàn thờ chính là Chính, Tả, Hữu của đình. Còn lại các cỗ khác sẽ đặt xung quanh và ở các bệ thờ phụ. Những cỗ được giải nhất, nhì, ba sẽ được thưởng mỗi lễ một miếng trầu, cau têm cánh phượng. Tuy công sức bỏ ra làm mâm cỗ tốn bao công phu, vất vả nhưng nếu được chọn là Cỗ Kén thì người dân ở Giáp ấy tin rằng cả năm được may mắn, làm ăn phát đạt.
Song, cái may mắn trọn vẹn lại là khâu cuối cùng. Trước khi mời được bạn bè về gia đình tụ họp và hát quan họ, chủ nhà và khách cùng đem vàng mã hóa để tưởng nhớ dòng họ, tổ tiên và nhớ đến người đã mất cho cả gia đình của chủ và khách.
Điều quan trọng hơn nữa là mỗi gia đình đã làm sẵn 4 đến 5 mâm cỗ để đãi khách. Cỗ được chuẩn bị từ sáng mồng 4, chiều tối là các mâm cỗ đã phải chuẩn bị xong. Khách đến ăn thì ít, mà hát quan họ lại say sưa khiến giây phút giã bạn bao giờ cũng lưu luyến, không muốn chia tay. Người ta không để ý đến mâm cỗ đầy hay vơi mà nhà nào càng mời được nhiều khách về nhà, năm đó may mắn và lộc đến càng nhiều.
Chợ Âm Dương hôm nay
Gần một thế kỷ qua, thời gian đã cuốn theo biết bao đổi thay đến vùng đất Kinh Bắc này. Ngay cả dòng sông Tiêu Tương êm ả chảy qua làng xưa giờ đã được bồi đắp. Ở đó nhiều nhà mới xây mọc lên, đến cái tên làng Ó cũng ít người biết đến để nói rằng làng quê này đã đổi mới, trẻ hóa và tươi mới như mùa xuân về làng. Nơi bán gà đen giờ đã là những ruộng rau xanh non. Dù vậy, cứ mỗi độ xuân về, người làng Xuân Ổ, thanh niên, trai gái đến cả người già, con trẻ lại xúng xính trong những bộ quần áo tứ thân, khăn xếp đẹp nhất, náo nức đón chờ đêm hội chợ.
Chợ Âm Dương bây giờ tuy vẫn không có lều quán, không đèn nến, vẫn tiếng thì thào trong đêm nhưng trong chợ đã có bán đủ thứ hàng vải vóc, khăn quàng cổ, khăn tay, bít tất, cặp tóc, hoa quả và vẫn có đủ đồ cúng tế cho người âm… Con cháu đến chợ đã không bắt buộc phải mua cho được gà đen. Mà gà mái thường, đẹp, cũng được đem bán. Các trai tráng trong làng không phải giã gạo thâu đêm mà gạo ngon đã được xay xát sẵn để dành từ vụ mùa. Duy chỉ có việc chuẩn bị cỗ đón khách là không thể thiếu.
Cái vẻ huyền bí của chợ xưa đã lan rộng đến cả những tỉnh xa tận trong Nam, ngoài Bắc. Khách thập phương cũng kéo nhau về dự đêm chợ Âm Dương để cầu được nhiều lộc may mắn, được bày tỏ nỗi nhớ quê hương hay nỗi niềm đam mê quan họ của mình. Đi chợ, đám thanh niên còn muốn tìm nơi bán đồ của con gái làng bên mà mình thích để mua đồ. Tiếng thì thào trong đêm chợ ấy còn là tiếng làm quen, tiếng tỏ tình. Và khi được cô gái mời về nhà dự cỗ cùng gia đình, bạn bè mới là những thử thách ban đầu.
Ngôi miếu cổ vẫn linh thiêng và cây đa cổ thụ của làng vẫn còn đó xum xuê xòa bóng mát như để chứng kiến bao đổi thay của làng, của biết bao mối tình hò hẹn, đơm hoa kết trái của những đôi lứa yêu nhau từ phiên chợ đêm nay. Trong những làn điệu quan họ trữ tình sâu lắng cùng men rượu xuân mỗi lúc thêm nồng đượm, còn chứa đựng cả lời yêu đương, da diết mà chàng trai muốn nhắn gửi cho người mình yêu. Sau đêm chợ huyền thoại ấy, đã có rất nhiều chàng trai, cô gái nên duyên chồng vợ và những làn điệu dân ca quan họ còn ngân vang mãi…
Tài liệu về chợ Việt – các vùng miền: tải tại đây
(Rất cảm ơn một anh hướng dẫn viên du lịch đã chia sẻ tài liệu này trên facebook!)
[…] thiệu hướng dẫn viên du lịch (Hoàn toàn miễn phí cho các hướng dẫn viên du lịch có nhu cầu gửi thông tin lên […]